Đợi Một Chút..!

Content

Hệ Hô Hấp

Người có thể sống trung bình 30 - 60 ngày nếu không ăn, 3 - 7 ngày nếu không uống nhưng chỉ được khoảng 3 - 5 phút nếu không thở. Qua đó đủ để thấy hệ hô hấp có vai trò quan trọng như thế nào. Hãy tìm hiểu giải phẫu hệ cơ quan này.

1.Tổng quan về hệ hô hấp

Hệ hô hấp gắn liền với chức năng hít - thở, trao đổi khí của cơ thể, hít vào Oxy và thải ra CO2. Hệ hô hấp được chia ra làm hệ hô hấp trên bao gồm: Khoang mũi, hầu, thanh quản và phần trên của khí quản và hệ hô hấp dưới bao gồm: phần dưới của khí quản và 2 phổi, ở phổi sẽ bao gồm màng phổi bên ngoài, bên trong là phế quản và phế nang.

2. Mũi và các khoảng mũi

Có 2 khoang mũi nằm trong hộp sọ được ngăn cách bởi vách mũi là một xương dẹt được tạo bởi xương sàng và xương lá mía.

Niêm mạc mũi là những tế bào biểu mô có lông chuyển, với tế bào goblet có khả năng bài tiết chất nhầy. Ba xương nhô ra gọi là các xoăn mũi bám vào thành của mỗi khoang mũi, cấu tạo như vậy giúp tăng diện tích bề mặt của niêm mạc mũi hơn.

Vai trò của niêm mạc mũi là gì?

Làm ấm và ẩm không khí trước khi đi tới phổi, điều đó giúp ngăn chặn sự chết tế bào phế nang.

Lớp chất nhầy giúp ngăn chặn bụi và vi khuẩn kết hợp với các lông chuyển đẩy liên tục lớp chất nhầy này về phía họng và được nuốt. Cuối cùng các vi khuẩn bị giết bởi acid dạ dày.

Trong khoang mũi còn có các thụ thể khứu giác giúp nhận biết mùi. Các dây thần kinh khứu giác đi qua xương sàng lên não.

3. Hầu

Hầu nằm phía sau mũi và khoang miệng, phía trước cột sống cổ.

Hầu được chia làm 3 phần: Hầu mũi (tỵ hầu), hầu miệng (khẩu hầu) và hầu thanh quản (hạ hầu.

Tỵ hầu ở thành sau có hạnh nhân hầu, một mô lympho chứa các đại thực bào. Tỵ hầu chỉ cho khí đi qua.

Khẩu hầu nằm phía sau miệng, niêm mạc là lớp biểu mô trụ giả tầng, liên tiếp với ổ miệng. Cùng với hạnh nhân lưỡi nằm ở nền lưỡi, chúng tạo nên vòm bạch huyết quanh hầu, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh thâm nhập vào niêm mạc.

Thanh hầu là phần dưới nhất của hầu, nó mở ra phía trước là thanh quản và sau là thực quản. Sự co cơ ở khẩu hầu và thanh hầu là một phần của phản xạ nuốt.

4. Thanh quản

Được cấu tạo bởi 9 vòng sụn nối với nhau bởi các dây chằng. Sụn là một mô cứng chắc và linh hoạt, ngăn cản sự xẹp thanh quản.

Sụn lớn nhất của thanh quản là sụn giáp, có thể sờ được ở ngay phía trước cổ. Sụn nắp thanh môn ở trên cùng.

Trong quá trình nuốt, thanh quản được nâng lên và nắp thanh môn đóng lại ngăn chặn sự xâm nhập của nước bọt hay thức ăn vào thanh quản.

Niêm mạc của thanh quản là biểu mô có lông chuyển (trừ các dây âm thanh). Các lông chuyển trên bề mặt biểu mô có tác dụng loại bỏ chất nhầy, bụi bẩn và các vi sinh vật.

Dây âm thanh nằm ở hai bên thanh môn, phần mở ra ở giữa hai dây này. Khí làm rung dây thanh âm sản sinh ra âm thanh có thể chuyển thành lời nói.

5. Khí quản và cây phế quản

Khí quản kéo dài từ thanh quản đến phế quản chính; nằm phía trước thực quản. Có thể sờ được trên nền cổ cấu trúc hình ống cứng.

Thành khí quản chứa 16-20 vòng sụn hình chữ C vì có khuyết phía sau các vòng sụn giúp khí quản luôn mở và cho phép thực quản mở rộng khi nuốt thức ăn. 

Niêm mạc của khí quản là biểu mô trụ có lông chuyển, có tế bào goblet.

Giống như ở thanh quản, các lông chuyển quét lên phía trên về hầu.

Phế quản chính

Là các nhánh của khí quản đi vào trong phổi. Cấu trúc giống với khí quản là các vòng sụn hình chữ C và lót bởi biểu mô trụ có lông chuyển.

Bên trong phổi, mỗi phế quản chính chia nhỏ thành phế quản thùy kéo dài đến các thùy tương ứng trong phổi. Ống phế quản tiếp tục phân nhanh nhỏ hơn tạo thành cây phế quản, những nhánh nhỏ đó được gọi là tiểu phế quản. Thành của tiểu phế quản không có sụn.

(Quan sát hình dán của cây phế quản giống như cây mọc ngược).

Các tiểu phế quản tận nằm trong các cụm phế nang - cái túi khí của phổi.

6. Phổi và các lá màng phổi

Phổi

Có 2 lá nằm đối xứng 2 bên trong khoang ngực cùng với tim được bảo vệ bởi khung xương sườn. Đáy phổi nằm áp sát trên vòm hoành; đỉnh phổi nằm phía trên xương đòn. Ở giữa mỗi phổi có một diện lõm vào được gọi là rốn phổi - là nơi phế quản chính và động mạch phổi, tĩnh mạch phổi đi vào.

Hệ tuần hoàn tim - phổi.

Máu được tâm thất phải của tim bơm vào động mạch phổi (máu nghèo oxy) vào các mao mạch phế nang và tiếp nhận oxy chuyển qua tĩnh mạch phổi (máu giàu oxy).

Máu từ tĩnh mạch phổi sẽ đổ vào tâm nhĩ trái và đổ xuống thất trái và từ thất trái được bơm đi khắp cơ thể.

Mô phổi có dạng xốp, đàn hồi. Khi trẻ có màu hồng và sậm màu hơn khi về già.

Màng phổi

Gồm 2 lá ghép lại là “Lá thành” bao mặt trong thành ngực và “Lá tạng” bao mặt ngoài phổi. Giữa hai lá màng phổi là thanh dịch giúp giảm ma sát khi hai lớp màng này trượt lên nhau khi thở.

Giữa 2 lớp màng này nếu có khí và dịch bên ngoài vào sẽ gây ra bệnh tràn dịch/tràn khí màng phổi (nguy hiểm).

7. Phế nang

Phế nang là đơn vị chức năng của phổi. Mỗi người có khoảng 300 - 500 triệu phế nang, tạo nên diện tích trao đổi khí 70 - 100m2.

Cấu tạo phế nang

Thành phế nang

Tế bào biểu mô phế nang loại I

  • Đặc điểm dẹt, mỏng giúp cho việc trao đổi khí nhờ khuếch tán dễ dàng hơn.
  • Chiếm 95% diện tích bề mặt phế nang.

Tế bào biểu mô phế nang loại II

  • Chiếm 5% diện tích.
  • Có chức năng tiết Surfactant làm giảm sức căng bề mặt, ngăn phế nang bị xẹp khi thở ra.
  • Có thể chuyển thành tế bào loại I khi cần thiết.

Màng trao đổi khí

  • Tế bào biểu mô phế nang loại I
  • Màng đáy của phế nang và mao mạch.
  • Nội mô mao mạch.
Mục Lục