Đợi Một Chút..!

Content

Hệ Bạch Huyết - Miễn Dịch

Hệ bạch huyết là một phần quan trọng của hệ miễn dịch và tuần hoàn, giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi sinh vật gây bệnh và giữ cho mô không bị ứ dịch.

 

1. Các thành phần của hệ bạch huyết

* Dịch bạch huyết

  • Di chuyển trong hệ thống mạch bạch huyết → cuối cùng đổ về hệ tuần hoàn.
  • Thành phần là chất lỏng trong suốt chứa nước, Protein, tế bào Lympho, vi khuẩn, mạnh vụn tế bào…

* Mạch bạch huyết

  • Hệ thống các ống dẫn từ nhỏ đến lớn, chạy song song với tĩnh mạch.
  • Bao gồm: Mao mạch bạch huyết, ống ngực, ống bạch huyết phải.

* Hạch bạch huyết

  • Cấu trúc hình hạt đậu, phân bố dọc theo mạch bạch huyết.
  • Phân bố nhiều ở cổ, nách, bẹn, ngực, bụng.

* Các cơ quan Lympho trung ương

  • Tuyến ức: Nằm sau xương ức, nơi tế bào Lympho T trưởng thành.
  • Tủy xương: sản xuất tế bào máu, trong đó có Lympho B và tế bào gốc miễn dịch.

* Các cơ quan Lympho ngoại biên

  • Lách: Nằm bên trái ổ bụng.
  • Tổ chức Lympho liên quan đến niêm mạc (MALT): Amygdale (ở hầu họng), Mảng Peyer (ở ruột non), Hạch Lympho dưới niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu.

2 Vai trò của các thành phần hệ bạch huyết

2.1 Dịch bạch huyết

* Duy trì cân bằng dịch

  • Đây là lý do vì sao nói hệ bạch huyết là một phần của hệ tuần hoàn.
  • Mỗi ngày có khoảng 20 lít huyết tương rò rỉ ra khỏi mao mạch máu vào mô.
  • Có khoảng 17 lít là được tái hấp thu trực tiếp về máu qua mao mạch, phần còn lại khoảng 3 lít được thu gom bởi mạch bạch huyết và được gọi là dịch bạch huyết.
  • Giúp ngăn ngừa phù nề, giữ ổn định thể tích dịch ngoại bào.

* Vận chuyển tế bào miễn dịch

  • Dịch bạch huyết giàu lympho bào (tế bào T và B).
  • Vận chuyển các tế bào miễn dịch đến các hạch bạch huyết.

* Lọc và loại bỏ vi sinh vật, độc tố, mảnh vụn tế bào.

  • Dịch bạch huyết mang theo vi khuẩn, virus, tế bào chết từ mô đến hạch bạch huyết.
  • Tại đó, các lympho bào và đại thực bào nhận diện và xử lý các tác nhân gây bệnh.

* Vận chuyển chất béo từ ruột non

  • Dịch bạch huyết ở ruột hấp thụ acid béo và chylomicron từ thức ăn.
  • Sau đó vận chuyển chất này qua ống ngực về tĩnh mạch dưới đòn → vào máu.

* Góp phần vào hệ thống tuần hoàn máu

  • Dịch bạch huyết cuối cùng đổ vào tĩnh mạch dưới đòn giúp hoàn trả lượng dịch lọt ra từ máu, nhờ đđ giúp đảm bảo thể tích tuần hoàn ổn định.
  • Nếu không có sự trở lại này thì khối lượng máu và huyết áp sẽ giảm nhanh.

2.2 Mạch bạch huyết

  • Mạch bạch huyết chính là các đường ống dẫn chứa dịch bạch huyết.
  • Cho phép giao tiếp giữa các quan miễn dịch như hạch bạch huyết, lách, tuyến ức…
  • Đây là tuyến đường cảnh giới miễn dịch khắp cơ thể.
  • Hệ thống các mạch bạch huyết bắt đầu là các mao mạch bạch huyết tận cùng được tìm thấy trong hầu hết các khoảng kẽ mô.
  • Các mao mạch bạch huyết rất dễ thấm và hấp thụ các chất lỏng mô và protein, các mạch nhũ chấp ruột non là mao mạch bạch huyết chuyên biệt trong nhung mao của ruột non.
  • Các mao mạch bạch huyết tập hợp để hình thành các mạch bạch huyết lớn hơn, cấu trúc của nó rất giống với mạch máu.
Câu hỏi: Đối với mạch máu thì có tim làm “máy bơm” vậy với mạch bạch huyết thì làm sao để vận chuyển dịch bạch huyết được?
Trả lời: Dịch bạch huyết di chuyển trong mạch bạch huyết giống với cơ chế đẩy máu trở lại tim của tĩnh mạch. Lớp cơ trơn của các mạch bạch huyết lớn hơn co lại, và các van 1 chiều (giống như van tĩnh mạch) ngăn không cho dịch bạch huyết chảy ngược. Mạch bạch huyết ở chi (đặc biệt là chân) được nén bởi cơ xương bao quanh chúng - gọi là máy bơm cơ xương. Hệ thống bơm ở hô hấp liên tục luân phiên mở rộng và thu hẹp các mạch bạch huyết trong lồng ngực và giữ cho bạch huyết có thể di chuyển.

2.3 Hạch bạch huyết

Trung bình một người trưởng thành có khoảng 500 - 700 hạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết có kích thước từ 10 - 20mm và được bao bọc. Bên cạnh đó có các nang bạch huyết kích thước từ 1 phần mm đến vài mm và không có bao nang.

* Lọc dịch bạch huyết và tiêu diệt mầm bệnh

  • Bên trong hạch có các lympho bào (B và T) và đại thực bào làm nhiệm vụ nhận diện, bắt giữ và tiêu diệt các mầm bệnh.
  • Khi dịch bạch huyết từ mô chảy qua hạch, vi khuẩn, virus, mạnh vụ tế bào, tế bào lạ, tế bào chết sẽ bị giữ lại, loại bỏ. Nên các hạch bạch huyết đóng vai trò như một trung tâm lọc dịch kẽ trước khi dịch bạch huyết được đưa trở lại tuần hoàn máu.

* Kích hoạt phản ứng miễn dịch

  • Khi kháng nguyên được trình diện tại hạch, các tế bào lympho được hoạt hóa, tăng sinh và biệt hóa, tạo ra những phản ứng miễn dịch đặc hiệu.
  • Lympho B được biệt hóa thành tế bào Plasma để sản xuất kháng thể, trong khi Lympho T đảm nhiệm vai trò tiêu diệt trực tiếp hoặc hỗ trợ miễn dịch tế bào.
Mở rộng: Hiện tượng sưng hạch hay phì đại hạch bạch huyết là biểu hiện thường gặp trong nhiều bệnh lý:
  • Nhiễm trùng cấp hoặc mạn: Viêm họng - sưng hạch ở cổ; Viêm ở tay - sưng hạch nách…
  • Bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp…
  • Bệnh ác tính: Ung thư hạch, di căn ung thư…

Hạch bạch huyết khi bị quá tải cũng có thể bị tổn thương hoặc là nơi cư trú tạm thời của tế bào ung thư.

2.4 Lách

Vị trí

Lách nằm ở góc phần tư phía trên bên trái của ổ bụng, ngay dưới cơ hoành, phía sau dạ dày.

Ở thai nhi, lách tạo ra các tế bào hồng cầu. Sau khi sinh lách giống như một hạch bạch huyết lớn, ngoài trừ chức năng của nó ảnh hưởng đến máu chảy qua nó chứ không phải là bạch huyết.

Các chức năng của lách sau khi sinh:

Chứa các tương bào sản xuất ra kháng thể.

Chứa bạch cầu đơn nhân và đại thực bào cố định

  • Chúng thực bào mầm bệnh hoặc các vật chất lạ khác trong máu.
  • Các đại thực bào của lách cũng thực bào các tế bào hồng cầu già và hình thành bilirubin. Thông qua tuần hoàn tĩnh mạch cửa, bilirubin được gửi đến gan để bài tiết qua mật.
  • Các bạch cầu đơn nhân của lách có thể xâm nhập vào tuần hoàn khi mô bị hư hỏng và cần dọn dẹp, sửa chữa.

Lưu trữ tiểu cầu và phá hủy chúng khi chúng không còn chức năng nữa.

Mở rộng: Với các chức năng của lách sau khi sinh, có thể thấy rằng các cơ quan khác có thể bù đắp nếu như vì bệnh lý bắt buộc phải loại bỏ lách. Ví dụ như gan và tủy đỏ sẽ loại bỏ các tế bào hồng cầu già và tiểu cầu khỏi vòng tuần hoàn. Hạch bạch huyết và nang bạch huyết sẽ thực bào mầm bệnh và có các tế bào lympho được hoạt hóa và các tương bào để sản xuất kháng thể. Vì vậy lách không được xem là một cơ quan sống còn, nhưng một người không có lách có thể dễ bị nhiễm khuẩn nhất định như viêm phổi và viêm màng não.

2.5 Tuyến ức

Các tế bào gốc của tuyến ức sản xuất tế bào lympho T hoặc các tế bào T.

Hormon tuyến ức cần thiết cho “khả năng miễn dịch”. Khả năng miễn dịch nghĩa là có thẩm quyền làm tốt vai trò miễn dịch. Các hormon tuyến ức và các tế bào T tham gia vào việc nhận biết các kháng nguyên ngoại lai và đáp ứng miễn dịch. Khả năng miễn dịch của tế bào T được thiết lập sớm và sau đó được duy trì bởi chính các tế bào lympho.

Trong tuyến ức, tế bào T chưa trưởng thành được “làm quen” với các tế bào và các phân tử hữu cơ của cơ thể và phát triển 2 khả năng: tự nhận biết và tự dung nạp.

* Tự nhận biết

Là khả năng phân biệt những tế bào thuộc về cơ thể và những tế bào không thuộc về cơ thể. Một số tế bào T chưa trưởng thành phản ứng với các protein “bản thân” của màng tế bào trên các tế bào của tuyến ức và ghi nhớ chúng.

Đây là những kháng nguyên của phức hợp hòa hợp mô (MHC; còn được gọi là HLA trên các bào bạch cầu). Tất cả các tế bào của chúng ta đều có các protein này, vì vậy các tế bào T này sẽ nhận ra tất cả các tế bào của một cơ thể như quen thuộc. Tế bào T không xảy ra quá trình này sẽ trải qua quá trình apoptosis (chết tế bào theo chương trình)

* Tự dung nạp

Là khả năng không phản ứng với protein và các phân tử hữu cơ khác mà tế bào của chúng ta tạo ra.

Các tế bào T chưa trưởng thành tương đối với các tế bào tua (tế bào trình diện kháng nguyên) của tuyến ức đã thu thập các phân tử “quen” này.

  • Các tế bào T không phản ứng với các phân tử này, mà chấp nhận dung nạp chúng sẽ là những tế bào được giữ lại.
  • Những tế bào T phản ứng sẽ bị bất hoạt hoặc tiêu hủy.

Thông thường khi đạt 2 tuổi, hệ thống miễn dịch trưởng thành và trở nên đầy đủ chức năng. Đây là lý do tại sao một số vac-xin, chẳng hạn như vắc-xin sởi không được khuyến cáo cho trẻ nhỏ dưới 15-18 tháng tuổi. Hệ miễn dịch của chúng chưa hoàn thiện để đáp ứng mạnh mẽ với vắc-xin, và sự bảo vệ được cung cấp bởi vắc-xin có thể không đầy đủ.

3. Khả năng miễn dịch

Khả năng miễn dịch là khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh hoặc vật thể lạ khác và ngăn ngừa các trường hợp nhiễm trùng sau đó. Khả năng này có ý nghĩa sống còn vì cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh ngay từ thời điểm sinh ra

3.1 Miễn dịch bẩm sinh

Khả năng miễn dịch bẩm sinh có một số thành phần: Rào cản giải phẫu và sinh lý, đại thực bào và các tế bào bảo vệ khác, các chất hóa học và phản ứng, trong đó có viêm. Tất cả chúng sẽ hoạt động cùng nhau và có nhiều sự chồng chéo giữa cả 3 yếu tố trên. Các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh luôn giống nhau và mức độ hiệu quả của chúng không tăng lên khi nhiễm đi nhiễm lại nhiều lần.

3.1.1 Các hàng rào

Lớp sừng của lớp biểu bì thuộc da là lớp tế bào chết và khi nó không gián đoạn là một hàng rào cản cho tất cả các tác nhân gây bệnh.

Trên bề mặt lớp sừng là một cộng đồng sống của các vi khuẩn và các acid béo trong bã nhờn giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh trên da.

Các tế bào còn sống của lớp biểu bì tạo ra các chất bảo vệ, đó là các hóa chất kháng lại vi khuẩn.

Lớp niêm mạc của đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu và sinh dục là biểu mô sống nhưng vẫn là một hàng rào bảo vệ tốt.

Biểu mô có lông chuyển của đường hô hấp là một hàng rào cản đặc biệt hiệu quả. Bụi và các tác nhân gây bệnh bị giữ lại trên chất nhầy, lông chứa dịch nhầy kéo dài đến tận họng và nó bị tiêu hủy.

Acid HCl phá hủy hầu hết các mầm bệnh xâm nhập vào dạ dày.

Lysozyme, một loại enzyme được tìm thấy trong nước bọt, nước mắt ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng về trên mắt.

Mở rộng: Lý do tại sao miệng của chúng ta thường bị hôi sau giấc ngủ dài. Vì trong khoang miệng chứa rất nhiều vi khuẩn yếm khí, mà khi ngủ sẽ giảm sự thông khí ở khoang miệng cộng với nước bọt cũng không được tiết ra tạo điều kiện cho vi khuẩn yếm khí phát triển mạnh hơn, phân hủy các thức ăn dư thừa tại khoang miệng → sinh ra mùi hôi khó chịu.

3.1.2 Các tế bào bảo vệ

Các tế bào diệt tự nhiên (tế bào NK)

Lưu thông trong máu nhưng cũng được tìm thấy trong tủy xương, lách và các hạch bạch huyết. chúng là một phần nhỏ (khoảng 10%) trong tổng số tế bào lympho nhưng có khả năng tiêu diệt nhiều loại mầm bệnh và tế bào khối u.

Tế bào NK tiếp xúc trực tiếp với tế bào ngoại lai xâm nhập và tiêu diệt chúng bằng cách phá vỡ màng tế bào của chúng hoặc gây ra một số loại tổn thương hóa học khác.

Bạch cầu ưa kiềm và tế bào mast

Chúng sản xuất Histamin và Leucotrien. Histamin gây giãn mạch và làm tăng tính thấm của mao mạch; đây là những phần của viêm. Leucotrien cũng làm tăng tính thấm mao mạch và hút các tế bào thực bào đến khu vực này.

3.1.3 Lớp chất hóa học bảo vệ

Chất hóa học giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn bao gồm interferon, bổ thể và các hóa chất liên quan đến phản ứng viêm.

Các interferon là các protein được tạo ra bởi các tế bào bị nhiễm virus và tế bào T, mặc dù interferon không thể ngăn chặn sự xâm nhập của tế bào, nhưng nó giúp ngăn chặn sự nhân lên của chúng. Khi virus không thể nhân lên nên không thể lây nhiễm đến các tế bào mới và gây bệnh.

Bổ thể là một nhóm gồm hơn 20 protein huyết tương lưu thông trong máu cho đến khi được hoạt hóa. Chúng tham gia vào sự ly giải các kháng nguyên tế bào và ghi nhãn các kháng nguyên không phải tế bào. Một số kích thích giải phóng Histamin trong viêm; một số khác thu hút các bạch cầu đến khu vực viêm.

Viêm là phản ứng chung của cơ thể đối với bất kỳ loại tác nhân nào: vi sinh vật, hóa chất, vật lý. Tế bào ái kiềm và tế bào mast giải phóng histamin và leucotrien làm giãn mạch tăng lưu lượng máu đến vùng bị tổn thương và các mao mạch trở nên thấm hơn. Mục đích của viêm là để khu trú các tổn thương, giữ cho nó không lan rộng, để loại bỏ nguyên nhân và cho phép sửa chữa các mô ban đầu

3.2 Miễn dịch đặc hiệu

  • Miễn dịch đặc hiệu là một loại miễn dịch mà cơ thể tạo ra phản ứng chuyên biệt chống lại từng loại tác nhân gây bệnh cụ thể (vi khuẩn, virus, nấm,...).
  • Khác với miễn dịch không đặc hiệu (miễn dịch bẩm sinh), miễn dịch đặc hiệu có trí nhớ, nghĩa là sau khi tiếp xúc với tác nhân một lần, lần sau cơ thể sẽ phản ứng nhanh hơn, mạnh hơn.
  • Miễn dịch đặc hiệu được tạo bởi các tế bào lympho (T và B) để nhận diện và tiêu diệt một kháng nguyên nhất định thông quá các thụ thể đặc hiệu.
  • Việc nhận ra một kháng nguyên lạ khởi phát một hoặc cả 2 cơ chế miễn dịch đặc hiệu.

3.2.1 Miễn dịch qua trung gian tế bào

Cơ chế miễn dịch này không dẫn đến sản xuất kháng thể, nhưng nó hiệu quả chống lại các tác nhân gây bệnh nội bào như virus, nấm, tế bào ác tính và ghép mô ngoại.

Có 2 loại tế bào lympho T

  • T CD4+ (T hỗ trợ): điều phối hoạt động miễn dịch.
  • T CD8+ (T độc): tiêu diệt tế bào nhiễm virus hoặc bất thường

Quá trình miễn dịch qua trung gian tế bào

* Trình diện kháng nguyên

  • Kháng nguyên nội sinh (virus, tế bào bất thường) được trình diện bởi MHC lớp I trên bề mặt tế bào nhiễm virus hoặc tế bào bất thường.
  • Các tế bào trình diện kháng nguyên chuyên nghiệp (APC) như đại thực bào, tế bào tua sẽ trình diện kháng nguyên ngoại sinh MHC lớp II để hoạt hóa tế bào T CD4+.

* Hoạt hóa tế bào T

  • Tế bào T nhận diện phức hợp MHC–kháng nguyên thông qua thụ thể TCR.
  • Sau khi hoạt hóa: T CD4+ biệt hóa thành các subtype (Th1, Th2, Th17…) tiết cytokine điều hòa miễn dịch. T CD8+ biệt hóa thành tế bào T gây độc (CTLs).

* Tấn công và tiêu diệt

  • CTLs tiếp xúc với tế bào đích (tế bào nhiễm virus, tế bào bất thường ung thư…) → tiết perforin và granzymes →gây apoptosis (chết tế bào theo chương trình).
  • Một số CTLs còn tiết IFN-y để tăng cường hoạt động thực bào.

* Hình thành tế bào nhớ

  • Một phần tế bào T biệt hóa thành tế bào T nhớ gọi là “memory T cell” giúp đáp ứng miễn dịch thứ cấp nhanh và hiệu quả khi có tái nhiễm.

3.2.2 Miễn dịch qua trung gian dịch thể

Miễn dịch dịch thể là loại miễn dịch đặc hiệu được thực hiện chủ yếu bởi tế bào B thông qua việc sản xuất và tiết ra kháng thể vào máu và dịch kẽ để vô hiệu hóa kháng nguyên ngoại sinh như vi khuẩn, virus, độc tố…

Quá trình miễn dịch qua trung gian dịch thể

* Nhận diện kháng nguyên

  • Tế bào lympho B mang thụ thể đặc hiệu BCR nhận diện kháng nguyên hòa tan không cần MHC.
  • Khi kháng nguyên gắn lên BCR → tế bào B bị hoạt hóa bước đầu, nhưng để hoạt hóa hoàn toàn thường cận sự hỗ trợ từ tế bào T CD4+ (Th2).

* Hoạt hóa tế bào B và biệt hóa

  • Tăng sinh clonal (sao chép hàng loạt tế bào B cùng đặc hiệu kháng nguyên).
  • Biệt hóa thành tế bào plasma: sản xuất kháng thể đặc hiệu.
  • Tạo tế bào B nhớ: phản ứng nhanh và mạnh khi có tái nhiễm.

* Sản xuất kháng thể

  • Các kháng thể (IgM, IgG, IgA, IgE, IgD) được tiết vào máu và dịch ngoại bào.
  • Trung hòa độc tố, virus.
  • Opsonin hóa vi khuẩn giúp đại thực bào dễ thực bào.
  • Hoạt hóa bổ thể gây ly giải tế bào.
  • Gây ngưng kết kháng nguyên.

* Giai đoạn đáp ứng thứ cấp (khi kháng nguyên xuất hiện lần thứ 2)

  • Tế bào B đáp ứng nhanh và mạnh hơn.
  • Kháng thể chủ yếu là IgG có ái lực cao hơn IgM.

4. Các loại miễn dịch

4.1 Miễn dịch di truyền

  • Không liên quan đến kháng thể, được lập trình trong DNA.
  • Một số tác nhân gây bệnh ảnh hưởng đến một số loài vật chủ nhưng không ảnh hưởng đến loài khác.

4.2 Miễn dịch thu được

Có liên liên quan đến kháng thể

* Thụ động

  • Tự nhiên: sự truyền nhiễm IgG từ mẹ sang thai nhi. Truyền các kháng thể IgA qua sữa mẹ.
  • Nhân tạo: Tiêm các kháng thể được tạo sẵn sau khi tiếp xúc với tác nhân.

* Chủ động

  • Tự nhiên: Phục hồi từ bệnh, với sản xuất kháng thể và tế bào bộ nhớ.
  • Nhân tạo: Thuốc chủng kích thích sản xuất kháng thể và tế bào bộ nhớ.

 

Mục Lục