Đợi Một Chút..!

Content

Hệ Tiêu Hóa

Hệ tiêu hóa chính là nơi tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ bên ngoài từ khi chúng ta ra đời, chuyển hóa từ các chất thô thành những chất cơ thể có thể sử dụng làm năng lượng.

1.Tổng quan hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa gồm 2 phần:

Ống tiêu hóa: Kéo dài từ miệng đến hậu môn gồm nhiều khoang và các tạng rộng. Mỗi bộ phận sẽ đảm nhiệm một phần trong quá trình chuyển hóa thức ăn.

Các cơ quan hỗ trợ: Là các cơ quan như gan, mật, tụy tuyến nước bọt… sẽ tiết các dịch để tham gia vào quá trình tiêu hóa.

Ở hệ tiêu hóa sẽ diễn ra 2 quá trình bổ trợ cho nhau là tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học.

 Tiêu hóa cơ học là quá trình nghiền nhỏ, nhào trộn thức ăn. Điều đó giúp tăng diện tích bề mặt tiếp xúc của thức ăn với các dịch tiêu hóa, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa hóa học.

 Tiêu hóa hóa học là quá trình mà các enzym tiêu hóa giúp phân cắt các phân tử hóa học phức tạp thành các dạng đơn giản mà cơ thể có thể sử dụng được. Sẽ diễn ra rất nhiều các phản ứng hóa sinh tại đây.

Sau đây chúng ta sẽ cùng theo dõi hành trình của thức ăn khi chúng ta ăn vào.

2. Khoang miệng

Tại khoang miệng chủ yếu là diễn ra quá trình tiêu hóa cơ học do răng và lưỡi đảm nhiệm, tiêu hóa hóa học do tuyến nước bọt đảm nhiệm.

2.1 Răng

Cấu tạo của 1 chiếc răng

Răng gồm 2 phần là chân răng phần nằm trong lỗ chân răng có màng nha chu bao quanh lỗ chân răng và sinh lớp cement bọc lấy răng.

Thân răng là phần nhô lên khỏi lợi và nhìn thấy được.

Lớp ngoài của thân răng gọi là men răng là phần cứng nhất của răng giúp răng có thể nhai, cắn, xé thức ăn.

Bên trong lớp men răng là ngà răng được tạo nên bởi các tế bào loại nguyên bào tạo ngà. Ngà răng cũng góp phần tạo nên chân răng.

Phần trong cùng của răng là tủy răng bao gồm các mạch máu thần kinh của dây tam thoa (dây sọ 5).

Mở rộng: Mỗi người có 2 bộ răng là răng sữa và răng vĩnh viễn. Do vậy khi còn là răng sữa, chẳng may có sứt mẻ cũng không cần lo lắng về thẩm mỹ vì kiểu gì cũng sẽ rụng và được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Và răng vĩnh viễn khi rụng thì phải đi trồng răng giá chứ không mọc được lên răng mới.

Một bộ răng vĩnh viễn sẽ có 32 chiếc và được đánh số. Mỗi nhóm răng sẽ đảm nhiệm chức năng chính khác nhau.

  • Răng hàm dùng để nhai.
  • Răng nanh dùng để cắn, xé với lực mạnh.
  • Răng cửa dùng để cắn xé với lực nhẹ hơn. (Vai trò về thẩm mỹ là quan trọng hơn).

2.2 Lưỡi

Lưỡi được tạo từ cơ vân, di chuyển linh hoạt đặc biệt là đầu lưỡi.

Mặt trên của lưỡi có các nhú lưỡi gồm các nhú vị giác do dây thần kinh 7 (dây mặt) và dây 9 (dây thiệt hầu) chi phối.

Lưỡi có 2 vai trò trong quá trình tiêu hóa thức ăn.

  • Nhào trộn thức ăn: Trong quá trình nhai lưỡi di chuyển liên tục giúp trộn đều thức ăn với nước bọt phân tán thức ăn đều về 2 bên hàm để nhai.
  • Tham gia vào việc nuốt thức ăn.
Câu hỏi: Tại sao lưỡi di chuyển liên tục trong quá trình nhai nhưng ít khi bị tự cắn vào lưỡi.
Trả lời: Đây là một phản xạ thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng và điều khiển của não bộ cực kỳ chính xác. Chi phối vận động của lưỡi là do dây sọ 12 (dây hạ thiệt) và não biết vị trí lưỡi mọi lúc. Và phản xạ này gọi là “Muscle memory” - trí nhớ cơ bắp, tức là sau nhiều năm ăn nhai, lưỡi đã học được cách tránh né răng đúng lúc. Ngoài ra giữa lưỡi, má và nướu có rất nhiều dây thần kinh cảm giác tạo nên hệ thống cảm giác siêu nhạy trong miệng.

Giải thích xong vẫn không hiểu lắm bởi vì con người chỉ sử dụng được 3% của não, nhưng nhìn chung lý do ở đây nằm ở não. Do vậy vẫn có trường hợp vô tình cắn phải lưỡi như ăn quá vội, mất tập trung, cười đùa khi ăn dẫn đến việc truyền tín hiệu từ não đến lưỡi bị gián đoạn.

Mở rộng: Đặt dưới lưỡi là một trong số những đường đưa thuốc. Con đường này giúp thuốc được vận chuyển trực tiếp vào vòng tuần hoàn chung mà không chịu tác động của đường tiêu hóa hay chuyển hóa qua gan.

2.3 Tuyến nước bọt

Có 3 tuyến nước bọt

  • Tuyến dưới lưỡi.
  • Tuyến mang tai.
  • Tuyến dưới hàm.

Trong nước bọt có gì?

Nước (98-99%) giúp làm ẩm thức ăn và trơn hơn dễ nuốt hơn.

Chất nhầy (mucin): tạo độ nhầy và trơn cho thức ăn, giúp thức ăn dễ kết dính lại thành các khối nhỏ, dễ nuốt hơn.

Enzym tiêu hóa: Amylase giúp tiêu hóa đơn giản tinh bột (chính vì vậy khi nhai kỹ tinh bột ta sẽ thấy có vị ngọt do được chuyển thành đường).

Ion và khoáng: Giúp duy trì pH bảo vệ men răng.

Kháng thể và các yếu tố bảo vệ: IgA, Lysozyme, Lactoferrin.

Vi sinh vật: Đây không phải thành gốc trong nước bọt mà do có sẵn ở khoang miệng.

3. Hầu

 Hầu không tham gia vào quá trình tiêu hóa mà chỉ đóng vai trò là đường dẫn và vận chuyển thức ăn.

Nuốt là một quá trình phức tạp nhưng là phản xạ nên ta không cần phải suy nghĩ nuốt làm sao cho đúng cách. Tuy nhiên nếu trong quá trình nuốt mà cười đùa…thức ăn có thể đi lạc vào thanh quản.

Phản xạ nuốt bao gồm các quá trình sau: Co hầu, ngưng thở, nâng lưỡi gà, đóng đường liên mũi, nâng thanh quản và đóng nắp thanh môn.

4. Thực quản

Giống với hầu, tại thực quản không xảy ra quá trình tiêu hóa mà chỉ đóng vai trò vận chuyển.

Đây là một đường ống nối từ hầu đến dạ dày. Nhu động của thực quản đảm bảo thức ăn đi một chiều xuống dạ dày ngay cả khi nằm hay lộn ngược.

Phần nối giữa thực quản với dạ dày là cơ thắt tâm vị, bản chất là cơ trơn xếp vòng giúp đóng mở (thực chất là co và giãn), mở để cho thức ăn đi xuống và đóng lại không cho dịch và thức ăn bị trào ngược lên.

5. Khoang bụng

Là nơi chứa các cơ quan tiêu hóa chính cả về tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học.

5.1 Dạ dày

5.1.1 Dạ dày nằm ở đâu?

Vị trí của dạ dày nằm ở ¼ phần bụng bên trên phía trái. Nối giữa thực quản với ruột non.

Dạ dày là một túi rỗng hình chữ J có thể thay đổi hình dạng tùy theo tư thế, lượng thức ăn và cơ địa mỗi người.

5.1.2 Các phần của dạ dày

Vị có nghĩa là dạ dày, có rất nhiều sản phẩm tác dụng trên dạ dày có từ vị (Bình vị Thái Minh, Bình vị nam…). Nên việc đặt tên các phần của dạ dày cũng sẽ có chữ vị.

Tâm vị

  • Tâm có nghĩa là tim. Tâm vị có nghĩa là phần dạ dày phía gần sát tim.
  • Đây là cửa ngõ đầu tiên để thức ăn đi từ thực quản vào dạ dày.
  • Có cơ thắt tâm vị giúp đóng mở theo nhu động của thức ăn.

Đáy vị

  • Đáy ở đây không chỉ nơi thấp nhất như chúng ta nghĩ. Vị trí của đáy vị là phần cao nhất của dạ dày khi cơ thể đứng.
  • Đáy vị không tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn mà nơi chứa khí do khi ăn nuốt vào. Giúp điều chỉnh áp lực và phân phối thức ăn đều xuống thân vị và hang vị.

Thân vị

  • Là phần chính và là lớn nhất của dạ dày và cũng là nơi tiêu hóa chính của dạ dày cả về tiêu hóa hóa học và tiêu hóa cơ học.
  • Ở thân vị có bờ cong lớn (phía ngoài) và bờ cong bé (phía trong).
Mở rộng: Tại vị trí bờ cong bé, các vết loét có nguy cơ cao nhất tiến triển thành ung thư nhất. Vì tại đây hệ thống mạch máu thưa thớt, ít các nguyên vật liệu để sửa chữa khi tổn thương.

Môn vị

  • Môn có nghĩa là cổng nên môn vị có nghĩa là cổng ra của dạ dày. Đây là phần nối giữa dạ dày và tá tràng (đoạn đầu của ruột non).
  • Có cơ thắt môn vị đóng mở kiểm soát việc chuyển thức ăn xuống ruột non theo từng đợt.
  • Cấu trúc của môn vị bao gồm hang vị (phần phình ra ngay trước môn vị) và ống môn vị (phần hẹp lại dẫn đến cơ thắt môn vị).
Mở rộng: Thức ăn được lưu tại dạ dày khoảng 2 - 4 giờ, vì vậy cần lưu ý đến việc sử dụng thuốc liên quan đến bữa ăn. Bên cạnh những tương tác với thức ăn thì việc lưu thuốc cùng thức ăn tại dạ dày sẽ làm chậm hấp thu thuốc (Thuốc được hấp thu chủ yếu tại ruột non).
Câu hỏi: Nhũ chấp là gì?
Trả lời: Nhũ chấp là thức ăn sau khi rời khỏi dạ dày, đã được nghiền nhỏ và trộn với rất nhiều dịch vị dạ dày. Có thể chất bán lỏng hoặc hơi sệt thuận tiện cho quá trình tiêu hóa tiếp theo tại ruột non.

5.1.2 Các lớp của dạ dày

Từ ngoài vào trong, dạ dày có 4 lớp

Thanh mạc

Lớp ngoài cùng, là một phần của phúc mạc.

Cấu trúc là một lớp màng mỏng, trơn láng giúp dạ dày dễ dàng trượt trong ổ bụng khi co bóp.

Tầng cơ

Cơ dạ dày có 3 lớp:

  • Cơ chéo: Là lớp cơ có khả năng co bóp mạnh mẽ (không có ở ruột), giúp nghiền và nhào trộn thức ăn.
  • Cơ vòng: Quan trọng trong việc đóng mở môn vị.
  • Cơ dọc: Hỗ trợ đẩy thức ăn đi xuống.

Dưới niêm mạc: Chứa mạch máu, thần kinh và hệ mạch bạch huyết

Niêm mạc: Có hệ thống tiết dịch tiêu hóa và lớp biểu mô trụ đơn giúp tiết nhầy bảo vệ dạ dày khỏi tác động của acid.

5.1.3 Các dịch tiết của dạ dày

 

Dịch tiết

Nơi tiết

Chức năng

HCl

Tế bào viền

  • Tạo môi trường acid mạnh pH ~ 1.5.
  • Hoạt hóa Pepsinogen thành pepsin.
  • Diệt khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa Protein.

Pepsinogen

Tế bào chính

Giúp tiêu hóa Protein thành các chuỗi Peptide

Chất nhầy (Mucin)

Tế bào cổ tuyến, tế bào biểu mô

Lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Yếu tố nội tại

Tế bào viền

Giúp hấp thu Vitamin B12

Gastrin

Tế bào G

Kích thích tiết HCl và Pepsinogen.

Tăng co bóp dạ dày và đóng môn vị.

 

Mở rộng: Bên trong dạ dày có rất nhiều nếp gấp có vai trò quan trọng:
  • Tăng diện tích bề mặt giúp tiếp xúc với thức ăn nhiều hơn.
  • Co giãn linh hoạt: Ở trạng thái rỗng, các nếp gấp hiện rõ nhất. Khi dạ dày đầy thức ăn các nếp gấp duỗi ra giúp chứa nhiều thức ăn mà không tăng áp lực quá mức.
  • Hỗ trợ trộn và đẩy thức ăn: Do cấu trúc “gợn sóng” nên nhào trộn thức ăn tốt hơn.

5.2 Ruột non

Ruột non là một đoạn ống dài nói dạ dày với ruột già, có chiều dài trung bình ở người trưởng thành là 6 - 7 mét. Tại đây diễn ra quá trình tiêu hóa chính của cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn, hấp thu thuốc uống.

Ruột non được chia làm 3 phần là tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng.

5.2.1 Các phần của ruột non

Tá tràng

Tá tràng có chiều dài khoảng 25 - 30 cm. Có hình chữ C và là nơi dịch mật, dịch tụy đổ vào. Nhờ vậy, tá tràng giúp tiêu hóa chất béo, carbohydrate.

Hỗng tràng

Dài khoảng 2.5 mét, có thành ruột dày nhiều nếp gấp, nhiều nhung mao.

Đây là phần hấp thu chính của ruột non, có rất nhiều mạch máu tại đây.

Hồi tràng

Dài khoảng 3.5 mét có thành ruột mỏng hơn, ít nhung mao hơn. Có vai trò hấp thu các chất còn lại như Vitamin B12, muối mật.

Tại hồi tràng có ít nếp niêm mạc hơn hỗng tràng và có nhiều mô bạch huyết.

5.2.2 Cấu trúc các lớp của ruột non

Ruột non cũng bao gồm 4 lớp chính giống với cấu trúc chung của ống tiêu hóa, nhưng sẽ có những đặc điểm riêng biệt để thích hợp với nhiệm vụ hấp thu chính các dưỡng chất của hệ tiêu hóa

Lớp thanh mạc

Đây là lớp ngoài cùng của ruột non. Là một lớp màng mỏng, trơn láng giúp bảo vệ ruột non và di chuyển dễ dàng trong ổ bụng.

Cấu tạo từ các biểu mô lát đơn và mô liên kết.

Lớp cơ

Gồm 2 lớp cơ so với dạ dày thì là 3 lớp. Do vậy chức năng co bóp, nghiền thức ăn là không đáng kể.

  • Lớp cơ vòng trong: Xoắn quanh ruột, giúp co bóp.
  • Lớp cơ dọc ngoài: Chạy dọc theo ruột, giúp tạo nhu động ruột.

Giữa 2 lớp cơ là đám rối thần kinh Auerbach điều khiển nhu động ruột.

Lớp dưới niêm mạc

Là mô liên kết lỏng lẻo

  • Hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết dày đặc.
  • Các đám rối thần kinh Meissner.

Lớp niêm mạc

Biểu mô: Chủ yếu là tế bào hấp thu và tế bào tiết nhầy (tế bào hình dài).

Lamina propria: Mô liên kết chứa mao mạch, mạch bạch huyết (mạch dưỡng trấp) và tế bào miễn dịch

Lớp cơ niêm: Lớp cơ mỏng, gips điều chỉnh gấp nếp niêm mạc.

Điều tạo nên sự đặc biệt của lớp niêm mạc ruột non

  • Có nếp vòng gấp nếp lớn của niêm mạc và dưới niêm mạc.
  • Có nhung mao: Cấu trúc nhỏ dạng ngón tay, tăng diện tích hấp thu.
  • Trên nhung mao lại có vi nhung mao tạo thành bờ bàn chải nơi chứa nhiều enzyme tiêu hóa.
Có thể bạn chưa biết: Với chiều dài 6 -7 mét và đường kính đường ruột non trung bình 2.5 - 3cm thì diện tích bề mặt nếu là một hình trụ ống thông thường là hơn 6.000 cm2. Nhưng nhờ cấu trúc đặc biệt từ các nếp vòng, nhung mao và vi nhung mao mà diện tích bề mặt của ruột non lên đến 2.000.000 - 3.000.000 cm2 tức là gấp lên khoảng 300 - 500 lần nếu bề mặt trơn nhẵn.

5.2.3 Trong ruột non có những gì

Hệ thống enzyme, dịch ruột

Bộ phận

Vị trí

Dịch tiết

Tuyến Lieberkuhn

Nằm giữa các nhung mao

  • Dịch ruột: Nước và điện giải.
  • Enzyme enteropeptidase.
  • Chất nhầy: do tế bào đài tiết.
  • Tế bào nội tiết ruột: Tiết hormon tiêu hóa.

Tế bào Bruner

Dưới niêm mạc tá tràng (không có ở những đoạn khác của ruột non).

Dịch kiềm gafiu Bicarbonat (HCO3-) giúp trung hòa acid từ dạ dày.

Tế bào biểu mô

Trên bề mặt vi nhung mao, gắn ở màng bờ bàn chải

  • Disaccharidase (Lactose, maltose, sucrose): Phân giải đường đôi.
  • Peptidase: Phân giải Protein.
  • Enteropeptidase: kích hoạt men tụy.

 

5.2.4 Hệ thống vi sinh vật trong ruột non

Các loại vi khuẩn phổ biến trong ruột non

Nhóm vi khuẩn Gram dương:

  • Lactobacillus
  • Streptococcus
  • Enterococcus

Vi khuẩn gram âm:

  • Escherichia coli.

Vi khuẩn kỵ khí tùy nghi: Sống được cả khi có và không có Oxy.

Vai trò của vi sinh vật ruột non

Hỗ trợ tiêu hóa

  • Lên men carbohydrate chưa tiêu hóa hết.
  • Tham gia vào hấp thu một số chất như Vitamin B7, B12

Miễn dịch

  • Kích thích sản sinh IgA, tế bào miễn dịch tại chỗ.
  • Giao tiếp với hệ thống miễn dịch qua các màng Peyer.

Ngăn bệnh đường ruột:

  • Do cạnh tranh môi trường sống với các vi khuẩn có hại, giữ tỷ lệ cân bằng giữa 2 nhóm lợi khuẩn và hại khuẩn.
  • Tiết chất ức chế mầm bệnh (Bacteriocins).

5.3 Ruột già

Ruột già là phần cuối cùng của ống tiêu hóa với chiều dài khoang 1.5 mét, đường kính 5-7cm với vai trò là hấp thu nước, muối tạo khuôn và thải phân.

5.3.1 Các phần của ruột già

Manh tràng

  • Nằm ở hố chậu phải tiếp nối với hồi tràng (của ruột non).
  • Dài khoảng 6-8cm hình túi tròn và là phần có đường kính lớn nhất ruột già.
  • Là nơi có ruột thừa gắn vào - Là một ống nhỏ dài 6-9cm chứa mô bạch huyết.
  • Có van hồi-manh tràng giúp kiểm soát dòng dưỡng chấp từ ruột non → ruột già ngăn trào ngược.

Đại tràng lên

  • Bắt đầu từ manh tràng và chạy thẳng đứng lên phía trên dọc theo thành bụng bên phải.
  • Dài khoảng 15-20cm và có đường kính lớn hơn các phần sau của ruột già.
  • Hình dạng giống các túi phồng nối tiếp nhau do dải cơ dọc co bóp không đều tạo thành các đoạn phồng.

Đại tràng ngang

  • Bắt đầu từ góc gan, chạy ngang qua ổ bụng từ phải sang trái và kết thúc ở góc lách.
  • Nằm phía trên rốn nhưng có thể thấp hơn nếu hệ thống mạc treo ruột yếu.
  • Chiều dài 45-50cm thường cong hình võng

Đại tràng xuống

  • Bắt đầu từ góc lách chạy dọc theo thành bụng bên trái và kết thúc tại hố chậu trái.
  • Dài khoảng 25-25cm và được cố định chắc bởi dây chằng hoành-đại tràng trái.

Đại tràng sigma

  • Bắt đầu từ hố chậu trái chạy cong hình chữ S trong vùng chậu và kết thúc tại trực tràng.
  • Dài khoảng 40cm, có tên là sigma vì có hình chữ S theo tiếng Hy Lạp “sigma”
  • Là nơi tạo khuôn phân hoàn chỉnh và diễn ra nhiều sự co bóp khối tạo cảm giác buồn đi đại tiện.
  • Có mạc treo nên di động và dễ bị xoắn.

Trực tràng

  • Nằm trong hố  chậu bé, bắt đầu từ đại tràng sigma và kết thúc tại ống hậu môn.
  • Dài khoảng 12-15cm hơi cong nhẹ theo trục của xương cùng gồm 2 đoạn:
  • Đoạn trên (trực tràng trên): Nằm trong phúc mạc có khả năng di động.
  • Đoạn dưới (trực tràng dưới): Nằm ngoài phúc mạc, cố định hơn.
  • Phần cuối của trực tràng là ống hậu môn dài khoảng 2.5-4cm có cơ thắt trong (không tự ý, do cơ vòng dày lên) và cơ thắt ngoài (tự ý, điều khiển bởi thần kinh somatic).

5.3.2 Các lớp của ruột già

Lớp thanh mạc

  • Là lớp ngoài cùng bao phủ bởi phúc mạc tạng.
  • Gồm biểu mô lát đơn và mô liên kết.
  • Có các túi mỡ nhỏ bám ngoài đại tràng gọi là các túi thừa mạc treo.

Lớp cơ

Gồm 2 loại cơ:

  • Lớp cơ dọc: Không liên tục, tập trung lại thành 3 dải cơ dọc gọi là dải dọc đại tràng.
  • Lớp cơ vòng: Liên tục bao quanh lòng đại tràng.

Các lớp cơ này tạo thành các đoạn phình ra gọi là túi phình đại tràng.

Chức năng co bóp nhẹ để đẩy chất chất cặn về phía trực tràng.

Lớp dưới niêm mạc

  • Mô liên kết lỏng lẻo.
  • Chứa mạch máu, mạch bạch huyết và đám rối thần kinh Meissner.

Lớp niêm mạc

  • Biểu mô: Là biểu mô trụ đơn chứa nhiều tế bào hấp thu (chủ yếu là hấp thu nước) và tế bào tiết nhầy.
  • Lamina propria (lớp đệm): Mô liên kết mỏng, chứa mạch máu, tế bào miễn dịch.
  • Lamina muscularis mucosae: Lớp cơ mỏng giúp vận động niêm mạc.

5.3.3 Hệ vi sinh vật ở ruột già.

Vi khuẩn ở ruột già chủ yếu là vi khuẩn kỵ khí (99%), đây là nơi chứa lượng vi khuẩn lớn nhất của hệ tiêu hóa ước lượng tổng vi khuẩn nặng khoảng 1-2kg.

Các vi khuẩn chính: Clostridium, Lactobacillus, Enterococcus, Bacteroides, Bifidobacterium…

Vai trò của vi khuẩn đại tràng

Tiêu hóa và chuyển hóa

  • Lên men các chất xơ và carbohydrate không tiêu hóa được.
  • Tổng hợp vitamin: Vitamin K2, B12, Biotin, folate

Bảo vệ cơ thể

  • Cạnh tranh môi trường sống ức chế sự phát triển của vi sinh vật có hại.
  • Kích thích hệ miễn dịch tại chỗ hoạt động.
Có thể bạn chưa biết: Phân không phải hoàn toàn là thức ăn thừa. Có 30%  - 50% khối lượng phân là vi khuẩn sống và chết, ngoài ra còn có tế bào bong tróc từ niêm mạc ruột, nước, chất nhầy.
Đại tràng chứa đến 100 nghìn tỷ vi khuẩn gấp 10 lần số tế bào trong cơ thể và có khối lượng lên đến 1-2kg.
Bạn biết “Ghép phân” nghĩa là gì không? Đó là một liệu pháp cấy ghép phân của người khỏe mạnh vào đại tràng của bệnh nhân để phục hồi hệ vi sinh vật. Ví dụ nhiễm Clostridium difficile.
Một điều thú vị nữa là có một sự liên kết giữa đại tràng với tim - não đó là các sản phẩm trao đổi chất từ vi khuẩn đại tràng (acid béo chuỗi ngắn) có thể tác động đến tim mạch, huyết áp, viêm nhiễm và cả tâm trạng liên quan đến trầm cảm, lo âu, Parkinson.



Mục Lục