Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Cột Sống

Cột sống có rất nhiều khớp, nếu chỉ xét các khớp chính sẽ có 23 khớp đĩa đệm, 46 khớp mỏm khớp và các khớp đặc biệt vùng cổ, khớp cùng - chậu. Tính đầy đủ sẽ có hơn 100 khớp liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cột sống.

1. Tổng quan về bệnh lý cột sống.

Bệnh lý liên quan đến cột sống rất đa dạng và thường gặp vì 2 lý do:

  • Dài, nhiều mắt xích (là các xương sống nối với nhau) ở xương sống là các rễ của rất nhiều hệ thống thần kinh.
  • Đây là bộ phận chính đóng vai trò nâng đỡ và chịu trọng lực lớn của cơ thể.

Các bệnh liên quan đến cột sống có nguyên nhân chính là do tuổi tác và ảnh hưởng của trọng lực lên cột sống theo thời gian

Chúng ta sẽ đi một số bệnh lý thường gặp liên quan đến cột sống bao gồm: Thoái hóa đốt sống, Thoát vị đĩa đệm.

2. Thoái hóa đốt sống

Như ở giải phẫu chúng ta đã được học, cột sống được chia ra 3 đoạn là cổ, ngực, lưng và vị trí nào cũng sẽ có thể gây thoái hóa. Tong đó cổ (C5, C6, C7) và thắt lưng là thường gặp hơn cả.

2.1 Triệu chứng lâm sàng

  • Đau và cứng khu trú, đau rễ dây thần kinh, đau khu trú xuất phát từ các dây chằng cạnh cột sống, các bao khớp.
  • Co các cơ cạnh cột sống.
  • Đau rễ dây thần kinh có thể do chèn ép rễ của dây thần kinh ống sống, hoặc có thể chỉ là đau lan truyền dọc theo thần kinh đùi bì có liên quan với tổn thương nguyên phát tại chỗ.
  • Triệu chứng sẽ có những điểm khác biệt tại vị trí thoái hóa.

2.1.1 Thoái hóa cột sống lưng

Đau lưng cấp tính

  • Gặp ở lứa tuổi 30-40. Cơn đau xuất hiện sau một động tác mạnh quá mức, đột ngột và sai tư thế như bưng bê, vác vật nặng, bị đẩy ngã…
  • Đau thường ở vùng cột sống thắt lưng. Có thể đau cả hai bên, nhưng không lan tới đùi hoặc khớp gối. Vận động bị hạn chế, và khó thực hiện các động tác, thường không có dấu hiệu thần kinh.
  • Có thể kèm co cứng cơ cạnh cột sống và buổi sáng và giảm sau khi vận động.
  • Đau khi sờ nắn vùng thắt lưng. Phản xạ, cảm giác, vận động và các dấu hiệu thận kinh khác đều bình thường.

Đau thắt lưng mạn tính

  • Đau mạn tính là khi thời gian đau kéo dài > 4 tháng - 6 tháng.
  • Thường gặp ở lứa tuổi 30-50 tuổi.
  • Đau âm ỉ vùng thắt lưng, không lan xa, đau tăng khi vận động, thay đổi thời tiết, đau giảm khi nghỉ ngơi.
  • Cột sống có thể biến dạng một phần và hạn chế một số động tác cúi nghiêng…
  • Đau thắt lưng mạn tính là do đĩa đệm bị thoái hóa nhiều, đàn hồi kém, chiều cao giảm, giảm khả năng chịu lực, phần lồi ra sau của đĩa đệm kích thích  các nhánh thần kinh gây đau.

Các yếu tố nguy cơ gồm: Mang vác vật nặng, xoay người, cơ thể bị rung (đi xe máy, ngồi ô tô lâu), béo phì, tập luyện thể lực quá mức.

2.1.2 Thoái hóa cột sống cổ

  • Đau vùng gáy: Đôi khi lan xuống vai và cánh tay. Tê một vùng ở cánh tay, cẳng tay và ngón tay.
  • Hạn chế vận động các động tác của cổ.
  • Nhức đầu: Từ vùng chẩm, lan ra thái dương, trán hay sau hốc mắt, không có dấu hiệu thần kinh.
  • Hội chứng giao cảm cổ Barre - Lieou: Nhức đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt. Loạn cảm thành sau họng, nuốt vướng.
  • Hội chứng chèn ép tủy cổ: Một số trường hợp hiếm, gai xương mọc ở phía sau thân đốt chèn ép vào phần trước tủy, bệnh nhân có dấu hiệu liệt cứng nửa người hoặc tứ chi tăng dần.
  • Nhiều triệu chứng xuất hiện do các gai xương chèn ép vào động mạch cột sống, đặc biệt là ở vùng trên của cổ gồm: Chóng mặt, choáng, nhức đầu và các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.
Lưu ý: Đau đầu, mức độ đau dữ dội là một trong những triệu chứng do thoái hóa đốt sống cổ gây ra đã nêu ở trên. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân và cả dược sĩ chỉ chẩn đoán đến việc thiếu máu lên não và uống các thuốc giảm đau + hoạt huyết… Tình trạng bệnh có thể giảm bớt nhưng không phải gốc rễ của nguyên nhân vấn đề. Khai thác thêm tiền sử để tư vấn bệnh nhân cần thiết đi khám chuyên khoa xương khớp.

2.2 Điều trị thoái hóa cột sống

Câu hỏi: Thoái hóa cột sống có điều trị hoàn toàn được không?
Trả lời: Ngay và luôn là không. Lý do tại sao?
  • Sụn và đĩa đệm bị thoái hóa không thể tự phục hồi như ban đầu, vì mô sụn có rất ít mạch máu, nên khả năng tự tái tạo gần như không có.
  • Quá trình lão hóa là liên tục: Dù điều trị tốt đến thế nào thì cơ thể vẫn tiếp tục già đi, quá trình lão hóa vẫn tiếp diễn nên chỉ có thể làm chậm tiến triển của bệnh chứ không thể khỏi được bệnh.
  • Nếu đã có những biến đổi cấu trúc (như mọc gai xương, hẹp ống sống, biến dạng đĩa đệm) thì dù có can thiệp phẫu thuật, cũng chỉ giảm triệu chứng và cải thiện chức năng, chứ không thể trả lại cột sống như ban đầu được.

2.2.1 Điều trị thoái hóa cột sống bằng thuốc

Với triệu chứng cũng như mục tiêu điều trị của thoái hóa cột sống thì một phác đồ cho bệnh nhân cần dựa trên đối tượng cụ thể.

Thuốc giảm đau chắc chắn sẽ có vì đây là động cơ khiến bệnh nhân đến nhà thuốc để mong muốn giải quyết vấn đề đang gặp.

Câu hỏi cần đưa ra và trả lời là với mức độ đau của bệnh nhân đang tiếp thì:

  • Dùng đơn thành phần giảm đau (Paracetamol/NSAID).
  • Dùng phối hợp cả 2 thuốc trên.
  • Corticoid có lợi ích gì trên bệnh nhân đó.
  • Thuốc giãn cơ, giảm đau do thần kinh có cần thiết.

Điều trị bảo tồn với các thuốc tác dụng chậm.

Câu hỏi: Thuốc hay thực phẩm chức năng sẽ tốt hơn cho bệnh nhân thoái hóa cột sống?
Trả lời: Đối với dược sĩ mà nói thì thường có quan điểm rằng, thuốc thì chắc chắn sẽ tốt hơn thực phẩm chức năng và bán TPCN chỉ là vì doanh số. Tuy nhiên cần làm rõ sự khác nhau giữa thuốc và TPCN.
Điều quan trọng nhất trong sự khác biệt này đó là sự cho phép về độ lệch so với hàm lượng ghi trên nhãn. Ví dụ như thuốc có hàm lượng >100mg thì độ cho phép là ± 5% (theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam V) còn của TPCN là không được thấp hơn 80%.
Thứ 2 đó là về vấn đề kiểm soát và kiểm tra chất lượng đầu ra của thuốc sẽ khắt khe và nghiêm ngặt hơn.
 
Tuy nhiên, cần xác định rằng mục tiêu điều trị của bệnh thoái hóa là điều trị bảo tồn chứ không phải điều trị hoàn toàn. Và TPCN đa phần sẽ có rất nhiều thành phần có lợi cho thoái hóa khớp kể đến như Glucosamin, Chondroitin, Collagen type II, MSM, Elastin…hoặc phối hợp các loại dược liệu với nhau. Và không ít các trường hợp bệnh nhân có cải thiện tốt hơn sau khi sử dụng TPCN so với thuốc. Vậy nên hãy thoải mái tư vấn cho bệnh nhân sử dụng TPCN đối với các bệnh có tính mạn và lựa chọn các sản phẩm uy tín, chất lượng.

2.2.2 Điều trị thoái hóa khớp bằng vật lý trị liệu

Có tác dụng giảm đau, sửa chữa sai tư thế và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị các đau gân và cơ kết hợp.

  • Nhiệt điều trị: Siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao.
  • Kéo, phong bế khớp gian mỏm, châm cứu, xoa bóp, mát xa.
  • Tập luyện: Bơi với đau thắt lưng mạn tính.

2.2.3 Điều trị thoái hóa khớp bằng ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa được xem xét trong trường hợp bệnh có tiên lượng nặng, không cải thiện khi chỉ điều trị nội khoa.

  • Hội chứng đuôi ngựa.
  • Có biểu hiện hẹp ống sống với các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng, ảnh hưởng đến chất lượng vận động.
  • Trượt đốt sống độ 3, 4.
  • Đau lưng kéo dài ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà các biện pháp nội khoa không có kết quả.

3. Thoát vị đĩa đệm

3.1 Đĩa đệm là gì

Đĩa đệm là phần nằm giữa 2 đốt sống trong cột sống, giống như một bộ đệm đàn hồi và đảm nhiệm một số vai trò sau:

  • Như một chi tiết giảm xóc khi cột sống vận động (chạy, nhảy…).
  • Phân tán lực tác động lên cột sống.
  • Tạo độ linh hoạt cho cột sống (giúp cột sống linh hoạt hơn có thể uốn cong, vặn, xoay…).

Cấu tạo của đĩa đệm

* Nhân nhầy

  • Nằm ở trung tâm đĩa đệm.
  • Chứa gel mềm thành phần 70-90% là nước.
  • Đóng vai trò hấp thụ lực nén, phân phối áp lực.

* Bao xơ

  • Bao quanh nhân nhầy.
  • Nhiều lớp sợi Collagen chắc chắn.
  • Vai trò giữ nhân nhầy ở đúng vị trí, chống lại các lực kéo, xoắn.

3.2 Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

* Thoái hóa tự nhiên do tuổi tác

  • Theo giời gian, đĩa đệm mất dần nước trở nên khô và mất tính đàn hồi.
  • Vùng bao xơ các sợi collagen cũng mất tính đàn trở nên yếu, dễ bị nứt, rách → Nhân nhầy thoát ra.

* Chấn thương, tai nạn.

* Va đập cơ học do tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

* Té ngã từ trên cao, chấn thương cột sống.

* Tư thế sai kéo dài.

- Ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài (nhất là dân văn phòng, tài xế lái xe).

* Mang vác vật nặng nhưng sai tư thế gây ra áp lực đột ngột và lớn lên đĩa đệm, dễ gây rách bao xơ.

* Thừa cân, béo phì.

* Tạo ra áp lực lớn lên các đĩa đệm.

3.3 Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm

  • Đau đột ngột, như dao đâm.
  • Nếu thoát vị đĩa đệm ở lưng thì đau lan xuống mông, về phía sau ngoài đùi; còn thoát vị đĩa đệm cổ thì đau lan xuống vai, cánh tay, bàn tay tăng lên khi ho, hắt hơi, rặn.
  • Cảm giác tê như kim châm, châm chích ở vùng da. Lý do là rễ thần kinh bị chèn ép.
  • Khám thấy cong vẹo cột sống, dấu hiệu Lasegue, Valleix, giật dây chuông dương tính bên bị đau, phản xạ gân xương giảm nhẹ, teo cơ (nếu thoát vị nặng).
Câu hỏi: Tại sao thoát vị đĩa đệm lại gây đau?
Trả lời: Thoát vị đĩa đệm gây đau được giải thích trên 3 yếu tố chính
  • Chèn ép cơ học: Khi nhân nhầy thoát ra ngoài, nó sẽ đè vào rễ thần kinh đi ra từ tủy sống. Khi bị chèn ép sẽ gây đau tại chỗ (cổ, lưng, thắt lưng). Đau lan theo đường đi của thần kinh (ví dụ: thần kinh tọa thì sẽ đau lan xuống chân).
  • Viêm hóa học: Khi đĩa đệm thoát ra ngoài sẽ tiết ra các chất trung gian gây viêm như Prostaglandin, cytokine… Các chất này làm kích thích rễ thần kinh và mô xung quanh, làm tăng cảm giác đau và phù nề mô.
  • Co thắt và rối loạn tuần hoàn tại chỗ: Khi có tổn thương đĩa đệm, cơ xung quanh cột sống có xu hướng co thắt lại để bảo vệ vùng tổn thương. Nhưng khi co thắt kéo dài sẽ làm tăng cảm giác đau, giảm lưu thông máu, tăng cứng cơ và hạn chế vận động. Đĩa đệm thoát vị làm chèn ép mạch máu nhỏ nuôi dưỡng rễ thần kinh → thiếu máu cục bộ tại rễ thần kinh → thần kinh càng dễ bị tổn thương và đau hơn.
Mục Lục