Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Sỏi Tiết Niệu

Tại sao lại gọi là sỏi tiết niệu, vì sỏi có thể được hình thành tại bất kỳ vị trí nào của hệ tiết niệu, và khi sỏi ở vị trí nào sẽ đặt tên như vậy luôn, như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang.

1. Nguyên nhân gây ra bệnh sỏi tiết niệu là gì?

1.1 Các loại sỏi thường gặp

1.1.1 Sỏi có Calci (Calci phosphat, Calci oxalat)

  • Đa số trường hợp sỏi có Calci là do nước tiểu vượt quá độ bão hòa của muối Calci. Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm tăng Calci niệu như cường cận giáp (ruột tăng hấp thu Calci từ thức ăn, tăng lấy Calci từ xương và tăng tái hấp thu Calci ở ống thận) dẫn đến Calci máu cao và Calci niệu thứ phát.
  • Có nhiều trường hợp, bệnh nhân có Calci niệu cao nhưng không kèm Calci máu cao.
  • Nước tiểu quá vượt quá độ bão hòa của oxalat cũng là nguyên nhân gây sỏi có Calci. Nguyên nhân là do thức ăn có nhiều oxalat hoặc rối loạn chuyển hóa oxalat ở gan gây tăng bài xuất acid oxalic và acid gluconic để tạo ra oxalat trong nước tiểu.
  • Giảm citrat niệu gây giảm ức chế kết tinh muối Calci (trong toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ K+ máu) do đó tăng kết tinh muối Calci trong nước tiểu thành sỏi.

1.1.2 Sỏi không có Calci (sỏi urat, cystin, struvit)

  • Tăng acid uric máu dẫn tới tăng acid uric niệu là nguyên nhân gây ra sỏi urat.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu làm vi khuẩn giải phóng men urease gây tăng tổng hợp NH4OH, chất này bị phân giải tạo thành NH4+ và OH- gây kiềm hóa nước tiểu làm tăng lắng đọng struvit (MgNH4PO4.6H2O).

1.1.3 Điều kiện thuận lợi để hình thành sỏi

Bệnh cạnh việc nồng độ Calci và các gốc muối vượt quá độ bão hòa trong nước tiểu, ta sẽ đề cập đến một số điều kiện khác sau đây:

  • Giảm lưu lượng nước tiểu: Đặc biệt là thói quen uống ít nước.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu là yếu tố thuận lợi để tạo thành sỏi, ngược lại sỏi cũng là điều kiện thuận lợi gây nhiễm khuẩn tiết niệu, tạo thành 1 vòng bệnh lý ngày càng nặng lên.
  • Dị dạng đường tiết niệu.
  • Có yếu tố di truyền.

Tổng hợp lại các loại muối và nguyên nhân chính như sau

Loại sỏi

Nguyên nhân và điều kiện thuận lợi

Calci phosphat

Cường cận giáp, tăng Calci niệu vô căn

Calci oxalat

Tăng Calci niệu vô căn, thức ăn nhiều oxalat, uống nhiều Vitamin C kéo dài, tăng Calci máu nguyên phát không rõ nguyên nhân.

Urat

Tăng acid uric máu và acid uric niệu, ăn nhiều thức ăn chứa hàm lượng cao Purin, nước tiểu quá acid kéo dài (vì nước tiểu có tính acid cao sẽ làm tăng khả năng kết tinh của tinh thể muối urat hơn).

Cystin

Tăng cystin niệu.

Struvit

Nhiễm khuẩn tiết niệu mạn tính và tái phát

 

2. Triệu chứng của sỏi tiết niệu

2.1 Triệu chứng lâm sàng của bệnh

  • Tiền sử đái ra sỏi hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần, có tiểu buốt, tiểu dắt, nước tiểu đục.
  • Cơn đau quặn thận: Đau dữ dội vùng hố sườn lưng 1 bên hoặc 2 bên, đau thành cơn, sau đó có thể kèm theo đau âm ỉ.
  • Đau điểm niệu quản: Xuất phát từ các điểm niệu quản xuyên xuống dưới hoặc xuyên ra hông lưng.
  • Sốt cao, rét run nếu có kèm theo viêm thận - bể thận cấp.
  • Đái máu đại thể.

2.2 Một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thực hiện

  • Xét nghiệm nước tiểu: Để dự đoán sỏi, cần định lượng Calci, Acid uric niệu, tìm cặn oxalat, cặn phosphat.
  • X-quang: Chụp UIV (chụp thận có cản quang) nhằm khu trú vị trí sỏi, thấy sự thay đổi hình ảnh thận. Chụp thận ngược dòng: để tìm sỏi không cản quang.
  • Siêu âm: Đánh giá kích thước thận và xác định số lượng, vị trí sỏi trên đường tiết niệu.
  • Phân tích sỏi: để biết thành phần của sỏi, nhờ đó đưa ra phác đồ điều trị và các biện pháp dự phòng tái phát.

3. Điều trị sỏi tiết niệu

  • Uống nhiều nước, tăng vận động là biện pháp giúp cho những sỏi nhỏ và vừa có thể được bào mòn và đào thải ra ngoài cùng nước tiểu.
  • Các biện pháp can thiệp lấy sỏi: Nội soi, mổ lấy sỏi, tán sỏi bằng sóng cao tần.
  • Đề phòng sỏi tái phát: Với những bệnh nhân bị sỏi thận, sau điều trị luôn phải dự phòng tái phát bằng cách uống nhiều nước (> 2 lít/ngày), áp dụng chế độ ăn và dùng thuốc tùy loại sỏi.
  • Hiện nay các thuốc điều trị sỏi thận đa số là thuốc đông dược và rất hiệu quả với sỏi kích thước vừa và bé.

Đối với trường hợp đã xác định rõ loại sỏi.

* Sỏi calci phosphat

  • Nếu do cường cận giáp cần phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp.
  • Nếu Calci niệu cao không rõ nguyên nhân thường dùng lợi tiểu Thiazid.
  • Thuốc giảm hấp thu Calci ở ruột được sử dụng cho bệnh nhân có Calci niệu và Calci máu cao.

* Sỏi Calci oxalat

  • Hạn chế thức ăn nhiều oxalat.
  • Không uống vitamin C liều cao (>500mg/ngày) kéo dài.
  • Dùng lợi tiểu nhóm thiazid để làm giảm Calci niệu.
  • Uống Citrat kali để ức chế quá trình kết tinh Calci oxalat thành sỏi.

* Sỏi urat

  • Hạn chế ăn thức ăn giàu Purin (Xem bài bệnh Gút).
  • Giảm acid uric máu và urat niệu bằng uống Allopurinol.

* Sỏi cystin

  • Uống Citrat Kali để hạn chế kết tinh sỏi.
  • Uống D-Penicillamine để tăng hòa tan sỏi.

* Sỏi truvit

  • Chống nhiễm khuẩn tiết niệu
Mục Lục