Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Phụ Khoa

Bệnh  viêm phụ khoa là bệnh lý rất hay gặp tại nhà thuốc vì bệnh có tính chất thường tái đi tái lại rất nhiều lần đặc biệt là ở phụ nữ đã quan hệ tình dục. Bệnh gây ra những triệu chứng kho chịu và là động cơ chính khiến bệnh nhân đến nhà thuốc để giải quyết nó.

1. Tổng quan về bệnh viêm phụ khoa

Viêm phụ khoa hay còn gọi là viêm đường sinh dục là vấn đề quan trọng trong bệnh lý sản và phụ khoa vì nó là nguyên nhân gây ra nhiều rối loạn ảnh hưởng đến khả năng lao động, đời sống và hoạt động sinh dục của phụ nữ. Một số trường hợp nặng, biến chứng có thể gây vô sinh.

2. Các dạng viêm phụ khoa thường gặp

  • Viêm âm đạo.
  • Viêm cổ tử cung.
  • Viêm lộ tuyến cổ tử cung.
  • Viêm tử cung, viêm phần phụ (vòi trứng, buồng trứng).

Hầu hết các viêm phụ khoa đều biểu hiện bằng một hội chứng gồm 3 triệu chứng chính: Ra khí hư, ra máu bất thường, đau bụng. Trong đó viêm âm đạo là bệnh thường gặp nhất tại nhà thuốc và ra khí hư là triệu chứng phổ biến nhất của viêm phụ khoa. Nên nội dung bài học này sẽ tập trung vào viêm âm đạo chứ không đề cập đến các bệnh còn lại.

3. Viêm âm đạo

3.1 Khí hư

Khí hư là gì?

Học về viêm âm đạo thì sẽ phải học về thuật ngữ “Khí hư” đầu tiên.

Có thể bạn chưa biết: Khí hư bắt nguồn từ y học cổ truyền mà trong đó “Khí” là để chỉ các loại dịch, chất lỏng hoặc năng lượng của cơ thể. Như trong bệnh viêm phụ khoa “Khí” ở đây chỉ dịch tiết, hoặc “Khí” chỉ năng lượng của cơ thể như dược liệu bổ khí, hành khí… “Hư” chỉ sự bất thường, bệnh lý. Như vậy “Khí hư” trong bệnh viêm phụ khoa có nghĩa là dịch tiết bất thường từ âm đạo, được xem là biểu hiện của sự mất cân bằng âm dương hoặc tạng phủ.

Tuy nhiên, trong y học hiện đại vẫn sử dụng thuật ngữ “Khí hư” nhưng có sự mở rộng hơn:

Khí hư là chất dịch nhầy được tiết ra từ âm đạo của phụ nữ, có thể là sinh lý bình thường hoặc triệu chứng của bệnh lý tùy vào đặc điểm của khí hư.

Khí hư sinh lý

Là chất dịch được tiết ra từ âm đạo của phụ nữ, đóng vai trò sinh lý với cơ thể:

  • Giữ ẩm cho âm đạo.
  • Làm sạch vùng kín.
  • Ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập.
  • Hỗ trợ quá trình quan hệ tình dục và thụ thai.

Có một số chuyên luận lại không dùng thuật ngữ là “khí hư sinh lý” mà dùng là “chất nhầy sinh lý”.

Khí hư sinh lý có thể ra nhiều hơn vào thời kỳ rụng trứng, khi mang thai hoặc khi kích thích tình dục.

Khí hư bệnh lý

Là triệu chứng đặc trưng của bệnh lý viêm phụ khoa, có những sự bất thường trong dịch tiết, đặc điểm sẽ có sự khác nhau ở nguyên nhân gây bệnh.

3.2 Phân tích đặc điểm của khí hư

 

Tiêu chí

Khí hư sinh lý

Khí hư bệnh lý

Màu sắc

Màu trắng, trong

Màu vàng đục hoặc xanh

Thể chất

Dai, có thể kéo dài thành sợi

Không dai, không kéo dài thành sợi được

Mùi

Không có mùi

Mùi hôi

Thời điểm xuất hiện

Xuất hiện vào ngày phóng noãn và trước khi có kinh

Có trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.

 

So sánh khí hư bệnh lý theo nguyên nhân gây bệnh

Khí hư màu vàng xanh

Viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc lậu

Khí hư đặc như bã đậu

Nhiễm nấm Candida albicans

Khí hư có bọt, mùi hôi

Nhiễm trùng roi

Khí hư màu nâu/đỏ

Có liên quan đến tổn thương, polyp hoặc ung thư cổ tử cung.

 

3.3 Các nguyên nhân gây viêm âm đạo

3.3.1 Viêm âm đạo do vi khuẩn (40-50%)

Hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, do mất cân bằng hệ vi sinh vật bình thường trong âm đạo giảm Lactobacillus và tăng vi khuẩn kỵ khí (có thể tham khảo kỹ hơn ở học phần thuốc kháng sinh).

Tất cả các loại vi khuẩn đều có thể gây viêm âm đạo, tỷ lệ cao nhất là Gardnerella vaginalis - là một vi khuẩn kỵ khí tùy nghi.

Viêm âm đạo do lậu thường lây truyền do giao hợp với người mắc bệnh. Khí hư ra nhiều, trắng hoặc xanh lẫn mủ, kèm đái buốt, đái khó; âm đạo đỏ, rất đau.

3.3.2 Viêm âm đạo do nấm (20-25%)

Thường gặp ở những người có thai, bị bệnh đái tháo đường hoặc do lây chéo cộng đồng.

Chủ yếu nhất là do nấm Candida albicans.

Điểm nổi bật nhất của nguyên nhân do nấm là ngứa nhiều, khí hư màu trắng đục như bột. Cần tiến hành soi tươi khí hư để thấy sợi nấm.

3.3.3 Viêm âm đạo do ký sinh trùng roi - Trichomonas vaginalis (15-20%)

  • Do tắm chung trong hồ ao, bể bơi.
  • Do quan hệ tình dục.
  • Do ký sinh trùng roi từ ruột non qua hậu môn vào âm đạo.

Khí hư thường loãng, có bọt, màu vàng xanh, ngứa rát ở âm hộ.

Xác định chẩn đoán cần soi tươi.

4. Triệu chứng của viêm âm đạo

Triệu chứng chung của viêm âm đạo

Khí hư bất thường

  • Ra nhiều hơn bình thường.
  • Thay đổi màu sắc.
  • Có mùi hôi, tanh.

Ngứa ngáy vùng kín

  • Ngứa rát âm hộ - âm đạo.
  • Có thể tăng khi về đêm.

Đau rát

  • Khi quan hệ tình dục.
  • Khi đi tiểu.
  • Đau vùng bụng dưới nếu viêm lan rộng

Âm đạo - âm hộ sưng, đỏ, phù nề.

Có thể kèm theo nóng rát.

5. Điều trị viêm âm đạo

Để điều trị viêm âm đạo thì cần dựa trên triệu chứng để xác định nguyên nhân nếu như không thể soi tươi.

Lưu ý: Dù nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, nấm, hay trùng roi thì đều sẽ có các triệu chứng kể trên, và nhiều trường hợp là kết hợp nhiều nguyên nhân. Nên để dễ dàng ghi nhớ hơn có thể sử dụng tóm tắt một số key chính như sau.
  • Key “ngứa”: Ngứa dữ dội nhất là nấm rồi đến trùng roi. Ít ngứa là vi khuẩn.
  • Key “màu khí hư”: Trắng - nấm; Trắng xám kèm mủ - vi khuẩn; Vàng/xanh - trùng roi
  • Key “khí hư đặc bã đậu”: Nấm.
  • Key “khí hư có bọt”: Trùng roi.
  • Key “ khí hư mùi hôi nhiều”: Trùng roi.
  • Key “khí hư mùi tanh”: Vi khuẩn.

Tại sao lại nhớ theo key, bởi vì để chẩn đoán xác định, dược sĩ cần đặt câu hỏi cho bệnh nhân dựa trên những key đó.

  • Có ra nhiều khí hư không?
  • Khí hư có màu gì?
  • Khí hư có mùi gì?
  • Có ngứa nhiều không?
  • Đặc điểm của khí hư, có đặc như bã đậu hay có bọt không?

Nếu các câu trả lời mà chuẩn chỉnh như trên thì việc chẩn đoán không có gì là khó khăn. Tuy nhiên bệnh nhân có thể kết hợp đặc điểm của tất cả triệu chứng key kể trên và mức độ cảm nhận thì lại mang tính chủ quan của bệnh nhân.

Vậy thì điều trị viêm âm đạo như thế nào?

Đối với viêm âm đạo hiện nay, đầu tay vẫn là sử dụng thuốc đặt âm đạo. Vì trong thuốc đặt điều trị viêm âm đạo sẽ kết hợp thành phần tác dụng đồng thời trên cả 3 nguyên nhân gây bệnh. Và phương pháp này cũng cho hiệu quả cao vì tác dụng tại chỗ.

Lưu ý: Viên đặt âm đạo chỉ thực hiện với phụ nữ đã có quan hệ tình dục rồi. Lý do không phải do quan hệ rồi thì sẽ hiệu quả hơn mà lý do liên quan về thuần phong mỹ tục.
Giải thích: Là do liên quan đến vấn đề màng trinh của người con gái, điều này với một số người sẽ là vấn đề rất lớn. Thực ra, màng trinh không phải là một tấm màng kín hoàn toàn mà có một lỗ nhỏ để máu kinh thoát ra ngoài. Nếu việc đặt thuốc diễn ra nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật, không dùng lực mạnh có thể đưa viên thuốc qua lỗ đó để vào trong âm đạo. Tuy nhiên, để làm được như vậy thì không hề dễ và cũng không ai muốn các thao tác đặt thuốc phải cầu kỳ và cẩn thận như vậy. Chính vì vậy nếu như màng trinh vẫn còn nguyên vẹn thì đặt thuốc xong tỷ lệ tổn thương màng trinh là rất cao. Điều đó có thể gây ra những suy diễn không hay với người đặt thuốc.
Như vậy, với trường hợp phụ nữ chưa có quan hệ tình dục thì cần giải thích rõ cho bệnh nhân, và nếu bệnh nhân không chấp nhận điều đó thì có thể chuyển sang một phương pháp khác.
Lưu ý: Các bạn dược sĩ cũng cần lưu ý một điểm nữa. Thuốc đặt âm đạo mà có kháng sinh, kháng nấm thì chỉ dùng cho trường hợp viêm. Có nhiều chị em đến nhà thuốc với mong muốn là mua viên đặt cho sạch, sau kỳ kinh thì mọi người nên chọn loại viên đặt lợi khuẩn. Việc bổ sung viên đặt lợi khuẩn sẽ giúp phòng bệnh do cạnh tranh môi trường sống với vi khuẩn kỵ khí.

Dung dịch vệ sinh phụ nữ.

Dung dịch vệ sinh phụ nữ khi đang điều trị viêm âm đạo sẽ có những đặc điểm khác với các dung dịch vệ sinh hàng ngày. Tham gia trực tiếp vào quá trình điều trị chứ không phải là làm sạch, khử mùi và giảm nguy cơ gây bệnh

Một số loại hiệu quả:

  • Betadine Vaginal Douche (Povidon-Iod 10%): Sát khuẩn phổ rộng, diệt vi khuẩn, nấm, virus, trùng roi.
  • Gynofar (Xanh methylen, Acid boric, Chlorhexidine):Sát khuẩn nhẹ, chống nấm, chống viêm.
  • Ladyformine chứa Đồng sunfat, Natri fluorid: Kháng viêm kháng khuẩn tốt.
  • Nabifar: Thụt rửa âm đạo với trùng roi.
  • Gynapax (Bột pha bông hoa): Sát khuẩn, chống viêm, chống nấm.

Viên đặt và dung dịch vệ sinh chính là phác đồ điều trị đầu tiên cho viêm âm đạo.

Trường hợp nặng có thể dùng thêm thuốc đường uống với liều theo chỉ định.

Lựa chọn thuốc kháng sinh và kháng nấm có thể tham khảo ở học phần dược lý.

Lưu ý: Vì đây là bệnh phụ khoa, nên khi dùng thuốc cần hỏi kỹ bệnh nhân có đang mang thai hay là không.



Mục Lục