Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Phì Đại Tuyến Tiền Liệt

Bệnh nhân đến nhà thuốc ban đầu không phải đề tìm giải pháp cho bệnh phì đại tiền liệt tuyến mà cho các triệu chứng khó chịu mà bệnh gây ra như tiểu khó, đau khi đi tiểu, tiểu rắt…

 

1. Tổng quan về bệnh phì đại tiền liệt tuyến

Phì đại tiền liệt tuyến còn được gọi là u phì đại lành tính tuyến tiền liệt, là tình trạng tăng sinh lành tính của tế bào mô tuyến và mô đệm, dẫn đến kích thước và khối lượng của tuyến tăng lên, chèn ép lên các bộ phận xung quanh đặc biệt là niệu đạo gây cản trở dòng chảy của nước tiểu. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi.

Lưu ý: Ung thư cũng là tình trạng tăng sinh tế bào nhưng là tăng sinh ác tính. Phì đại tiền liệt tuyến và ung thư tiền liệt tuyến không liên quan với nhau nhưng hai bệnh này có thể xuất hiện cùng một thời gian ở bệnh nhân cao tuổi.

Tuyến tiền liệt được hình thành từ tuần thứ 12 ở thai nhi nam, phát triển biệt hóa cho đến khi trẻ ra đời. Đến khi dậy thì, tuyến tiền liệt phát triển và hoạt động như một tuyến sinh dục phụ.

Tiền liệt tuyến bình thường sẽ có những thông số như sau:

  • Dài: ~ 2-3cm.
  • Rộng: ~ 3-4cm.
  • Cao: ~ 3cm.
  • Tổng thể tích: ~20-25mL.
  • Khối lượng: ~ 15-25g và tăng nhẹ theo tuổi.

2. Nguyên nhân gây bệnh phì đại tiền liệt tuyến

Có thể bạn chưa biết: Nếu cắt bỏ tinh hoàn trước tuổi dậy thì thì sẽ không thấy xuất hiện phì đại tiền liệt tuyến. Như vậy để thấy giữa hormone Testosterone và bệnh phì đại tiền liệt tuyến có mối liên quan chặt chẽ như thế nào.

Câu hỏi: Testosterone có trực tiếp gây ra bệnh phì đại tiền liệt tuyến và nồng độ Testosterone cao hay thấp thì làm gia tăng bệnh phì đại tiền liệt tuyến.
Trả lời: Testosterone không trực tiếp gây ra bệnh phì đại tiền liệt tuyến mà là gián tiếp. Lý do sẽ được trình bày cụ thể sau đây.
- Testosterone là một tiền hormone, nghĩa là cần phải được chuyển hóa thành chất khác thì mới có hoạt tính.
- Testosterone → Dihydrotestosterone (DHT) nhờ enzym 5-alpha reductase của tiền liệt tuyến.  DHT mạnh hơn Testosterone gấp 2-3 lần.
- DHT gắn vào thụ thể androgen trong tế bào tiền liệt tuyến  → kích thích tế bào tăng sinh, phát triển.

3. Triệu chứng bệnh phì đại tiền liệt tuyến

3.1 Triệu chứng của bệnh qua các giai đoạn

Tùy theo sự phát triển của bệnh và sự thích ứng của cơ thể bệnh nhân, triệu chứng của phì đại tiền liệt tuyến được chia theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Là giai đoạn cơ năng

Các triệu chứng nhẹ và chưa có tổn thương thực thể

  • Tiểu khó với các biểu hiện như nước tiểu ra chậm, phải rặn để đi tiểu.
  • Tiểu yếu: Dòng nước tiểu nhỏ và yếu, đái ngắt quãng.
  • Tiểu són: Cảm giác tiểu không hết vẫn còn nước tiểu trong bàng quang, đi tiểu xong còn nhỏ giọt.
  • Tiểu gấp: Cảm giác mắc tiểu đột ngột, không nhịn được. Buồn đi tiểu là phải đi tiểu ngay, có khi són nước tiểu do sự kích thích của cơ bàng quang phì đại.
  • Tiểu nhiều lần: Ban ngày đi tiểu nhiều hơn bình thường.
  • Tiểu đêm: Phải thức dậy 1-2 lần hoặc nhiều hơn vào ban đêm để đi tiểu.

Giai đoạn 2: Là giai đoạn đã có tổn thương thực thể

Bàng quang giãn và có tồn đọng nước tiểu từ 50 - 100ml.

  • Bệnh nhân đi tiểu khó, nhiều lần với mức độ tăng lên, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Đi tiểu xong, bệnh nhân có cảm giác đái không hết và một lúc sau lại phải đi tiểu.
  • Sự ứ đọng nước tiểu kèm theo các dấu hiệu nhiễm khuẩn với các biểu hiện đi tiểu buốt, nước tiểu đục.
  • Ở giai đoạn này có thể có sỏi bàng quang hoặc viêm tiền liệt tuyến.

Giai đoạn 3: Là giai đoạn có tổn thương thực thể thể nặng.

Ảnh hưởng đến chức năng thận và sự thích ứng của cơ thể đã giảm sút. Đây là giai đoạn không bù.

  • Cơ thành bàng quang mỏng, có nhiều túi thừa, mất trương lực, ứ đọng nước tiểu tăng, nhiễm khuẩn nặng.
  • Tiểu khó tăng lên, phải đi tiểu nhiều lần, có khi dẫn đến tình trạng nghịch lý đái rỉ liên tục do bàng quang quá căng đầy nước tiểu.
  • Xuất hiện triệu chứng toàn thân rầm rộ: Thiếu máu, buồn nôn, ăn kém, buồn ngủ, mệt mỏi, phù, tăng huyết áp → dấu hiệu của suy thận do tắc đường niệu.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải lúc nào cũng sẽ diễn ra theo đúng 3 giai đoạn trên. Sự tiến triển của bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sự tăng trưởng kích thước tuyến tiền liệt, sự thích ứng của cơ thể và sinh hoạt của từng người.

Mặt khác trong bất kỳ giai đoạn nào thì bí tiểu vẫn có thể xảy ra và đặt bệnh nhân vào trạng thái cần cấp cứu.

3.2 Chẩn đoán phân biệt

Viêm tiền liệt tuyến

Thường có biểu hiện đau và sốt; lúc thăm khám trực tràng có điểm đau rõ rệt và có khí phát hiện khối nhỏ bùng nhùng, cơ hậu môn nhão.

Ung thư tiền liệt tuyến

Tạo nên một cảm giác rắn chắc như đá lúc thăm khám trực tràng, u không đều, xâm nhiễm xung quanh tuyến hoặc có nốt rắn chắc ở vùng ngoại vi tiền liệt tuyến.

4. Điều trị phì đại tiền liệt tuyến.

4.1 Mục tiêu điều trị

  • Giải quyết vấn đề khó khăn trong việc đi tiểu.
  • Giảm kích thước/làm chậm sự tăng lên của tiền liệt tuyến.

Có 2 nhóm bệnh nhân sẽ đến nhà thuốc.

  • Bệnh nhân chưa đi khám, chưa biết bệnh gì, muốn giải quyết các tình trạng khó khăn trong vấn đề đi tiểu.
  • Bệnh nhân đang điều trị phì đại tiền liệt tuyến, các triệu chứng có giảm nhưng chậm.

Về thuốc điều trị phì đại tiền liệt tuyến, dựa trên nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng khó chịu bệnh nhân gặp phải, có 2 nhóm thuốc chính trong điều trị:

Nhóm thuốc chẹn alpha

  • Giúp giãn cơ trơn ở cổ bàng quang, cơ trơn niệu đạo và tiền liệt tuyến → giảm triệu chứng tiểu khó, tiểu rắt.
  • Dùng cho trường hợp nhẹ đến trung bình.
  • Các thuốc phổ biến: Tamsulosin, Alfuzosin, Doxazosin, Terazosin.

Nhóm thuốc ức chế enzym 5-alpha reductase

  • Giảm kích thước tiền liệt tuyến do ức chế tạo thành DHT.
  • Thuốc phổ biến: Finasteride, Dutasteride.

Hiện nay có thuốc kết hợp cả 2 thuốc trên cho đối tượng cụ thể như Duodart.

Tuy nhiên cả 2 nhóm thuốc trên đều là thuốc cần kê đơn đặc biệt là nhóm thuốc số 2 chỉ sử dụng khi xác định chẩn đoán là có phì đại tiền liệt tuyến.

Cả 2 nhóm thuốc đều sẽ có những tác dụng phụ riêng

  • Nhóm chẹn alpha: Hạ huyết áp tư thế, chóng mặt, mệt mỏi.
  • Nhóm ức chế enzym 5-alpha reductase: Giảm libido, rối loạn cương dương, giảm lượng tinh dịch, giảm ham muốn tình dục do quá trình chuyển hóa Testosterone → DHT bị ức chế mà Testosterone chỉ là tiền hormone có hoạt tính kém DHT 2-3 lần.

Chính vì vậy, đối với tại nhà thuốc có thể tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng trước với các trường hợp nhẹ và khuyên bệnh nhân nên đi kiểm tra tiền liệt tuyến sớm để điều trị.

Bên cạnh đó, tại nhà thuốc cũng cần lưu ý đến vấn đề nhiễm khuẩn tiết niệu trên bệnh nhân.

4.2 Điều trị ngoại khoa

Hiện nay, do đã phát triển ra rất nhiều loại thuốc như đề cập ở trên, và mang lại những hiệu quả cao trong điều trị nên phẫu thuật ngoại khoa không được ưu tiên.

Chỉ định ngoại khoa được chấp nhận khi có biến chứng nặng, cần theo dõi bệnh và sử dụng các biện pháp điều trị nội khoa.




Mục Lục