Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Thoái Hóa Xương Khớp

Thoái hóa xương khớp là một bệnh mạn tính thường gặp ở người trung niên, cao tuổi. Nên đây còn được gọi là tình trạng “Khớp già đi”. Bệnh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến biến dạng khớp, mất chức năng vận động hoặc phải thay khớp nhân tạo.

1. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp

Có 2 giả thuyết được đưa ra cho thoái hóa khớp:

Thuyết cơ học:

Dưới ảnh hưởng của các tấn công cơ học, các vi chấn thương gây suy yếu các đám collagen tổn hại các chất proteoglycan trong tổ chức sụn khớp.

Thuyết tế bào:

Các tế bào sụn bị cứng lại do tăng áp lực, giải phóng các enzym tiêu protein, những enzym này gây hủy hoại các chất cơ bản trong tổ chức sụn.

Tổng hợp lại ta có một số nguyên nhân:

* Lão hóa tự nhiên

  • Đây là nguyên nhân chính.
  • Khi tuổi càng cao, quá trình tái tạo sụn và sản sinh dịch khớp giảm dần.
  • Sụn bị mòn mỏng, xương dưới sụn xơ cứng, khớp dễ bị tổn thương và biến dạng.

* Tăng áp lực lên các khớp

  • Thừa cân - béo phì: Sự thừa cân - béo phì sẽ làm tăng áp lực lên các khớp đặc biệt khớp ở cột sống, khớp gối.
  • Lao động nặng, vận động sai tư thế: Mang vác nặng, leo cầu thang quá nhiều, tập gym sai tư thế.

* Tác hại của bệnh - chấn thương khớp.

2. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

2.1 Triệu chứng lâm sàng

  • Đau khớp: Đau âm ỉ, tăng khi vận động, khi thay đổi tư thế, giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi. Đau diễn biến thành từng đợt, dài ngắn tùy từng trường hợp, hết đợt có thể hết đau, sau đó tái phát đợt khác hoặc có thể đau liên tục tăng dần.
  • Hạn chế vận động: Các động tác của khớp như đứng lên ngồi xuống, co duỗi, đi bộ lâu sẽ xuất hiện cơn đau…
  • Biến dạng khớp: Thường mọc gai xương do lệch trục khớp hoặc thoát vị màng dịch.
  • Các dấu hiệu khác:
  • Nghe thấy tiếng lục khục khi vận động khớp.
  • Cứng khớp buổi sớm thức dậy, kéo dài không quá 30 phút.
  • Có thể sờ thấy “Chồi xương” ở quanh khớp.
  • Teo cơ do ít vận động.
  • Tràn dịch khớp: Do phản ứng viêm thứ phát của màng hoạt dịch.
  • Thường không có biểu hiện toàn thân.

2.2 Phân biệt với một số bệnh khớp khác

2.2.1 Viêm khớp dạng thấp

Tiêu chí so sánh ở đây sẽ là các tiêu chí mà dược sĩ có thể đánh giá được

Tiêu chí

Viêm khớp dạng thấp

Thoái hóa khớp

Khởi phát

Thường nhanh, diễn tiến cấp hoặc bán cấp.

Khởi phát chậm, tiến triển từ từ.

Số lượng khớp bị ảnh hưởng

Thường nhiều khớp, đối xứng (cả 2 bên cơ thể). Trừ trường hợp viêm khớp dạng thấp thể một khớp.

Thường ít khớp, không đối xứng.

Vị trí thường gặp

Các khớp nhỏ: Cổ tay, bàn tay, bàn chân.

Khớp chịu lực: Gối, lưng, hông, ngón tay.

Cứng khớp buổi sáng

> 30 phút, có thể kéo dài hàng giờ.

< 30 phút, đỡ khi vận động.

Triệu chứng khác

Triệu chứng của viêm nói chung: Sưng, nóng, đỏ, đau, sốt nhẹ, giảm cân.

Đau tăng khi vận động, ít sưng đỏ, không sốt.

 

2.2.2 Bệnh cột sống huyết thanh âm tính

Đây là cách gọi chung cho một nhóm các bệnh viêm khớp mạn tính nhưng không phải dạng thấp.

  • Viêm khớp vảy nến: Bệnh lý kết hợp thương tổn vảy nến ở da hoặc móng và tình trạng viêm khớp ở chi và/hoặc cột sống.
  • Bệnh viêm cột sống dính khớp: Viêm các khớp ở cột sống đặc biệt là vùng thắt lưng và khớp cùng chậu.
  • Bệnh Reiter: Biểu hiện một tam chứng gồm viêm khớp, viêm niệu đạo, viêm kết mạc mắt. Đôi khi kèm tổn thương ngoài da (ban đỏ dạng nốt). Thường xuất hiện sau đợt nhiễm trùng (tiêu hóa, sinh dục).

2.2.4 Bệnh khớp liên quan đến bệnh lý ruột

  • Viêm loét đại tràng, hay gặp ở khớp cổ chân, đặc điểm viêm khớp không bào mòn kết hợp với viêm đại tràng.
  • Bệnh Crohn: Viêm khớp vùng chậu, viêm cột sống hoặc các khớp chi dưới phối hợp với viêm loét đại tràng.
Câu hỏi: Giữa viêm loét đại tràng và viêm khớp có sự liên quan gì?
Trả lời: Viêm khớp là một trong các biểu hiện ngoài ruột của viêm loét đại tràng. Nguyên nhân của sự liên quan này là do các yếu tố sau:
1. Hệ miễn dịch hoạt động quá mức.
  • Cả viêm loét đại tràng và viêm khớp đều có yếu tố của bệnh tự miễn, nghĩa là hệ miễn dịch tấn công nhầm vào chính cơ thể.
  • Khi hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công vào niêm mạc đại tràng nó cũng có thể tấn công vào màng hoạt dịch của khớp từ đó gây ra viêm khớp.
2. Hiện tượng phản ứng miễn dịch chéo:
  • Một số protein hoặc kháng nguyên trong niêm mạc ruột có thể giống với những thành phần trong mô khớp.
  • Hệ miễn dịch không phân biệt được đó là mô của khớp nên tấn công nhầm vào tạo ra phản ứng miễn dịch chéo.
3. Vai trò của vi khuẩn đường ruột
  • Khi bị viêm loét đại tràng, hệ vi sinh vật đường ruột bị mất cân bằng.
  • Viêm lan tỏa toàn thân, gây ảnh hưởng đến khớp, da, gan mật…

2.2.5 Viêm khớp vi tinh thể

  • Bệnh gút: Thường là biểu hiện viêm khớp cấp tính của các khớp chi dưới (khớp ngón cái, cổ chân). Khớp sưng đau dữ dội và thường khởi phát về đêm, yếu tố thuận lợi để khởi phát đến từ việc sau khi uống nhiều rượu hoặc ăn nhiều thực phẩm chưa purin như đồ đạm, nội tạng động vật…
  • Bệnh giả gút: Nguyên nhân là do sự lắng đọng các tinh thể Calcipyrophosphat dihydrat ở khớp, có vôi hóa ở sụn khớp, dịch khớp chứa các tinh thể hình thoi.

3. Các thoái hóa khớp thường gặp

3.1 Thoái hóa khớp gối

Nữ chiếm nhiều hơn nam.

Nguyên nhân của thoái hóa khớp gối

  • Dị tật của trục khớp gối: Khớp gối quay ra ngoài, Khớp gối quay vào trong, Khớp gối quá duỗi.
  • Các di chứng của bệnh khớp gối: Di chứng chấn thương, vi chấn thương do nghề nghiệp. Di chứng viêm (viêm khớp dạng thấp, lao khớp, viêm mủ…). Chảy máu trong khớp…

Triệu chứng của thoái hóa khớp gối

  • Đau khớp gối (khi nghỉ và ban đêm).
  • Cứng khớp khi không vận động (buổi sáng < 30 phút).
  • Giảm khả năng vận động (khó khăn với một vài động tác).
  • Có tiếng lục khục khi cử động.
  • Tăng cảm giác đau xương.
  • Sờ thấy ụ xương.
  • Nhiệt độ da vùng khớp bình thường hoặc ấm lên không đáng kể.

3.2 Thoái hóa khớp háng

Nam chiếm nhiều hơn nữ

Nguyên nhân của thoái hóa khớp háng

  • Loạn sản và trật khớp háng bẩm sinh.
  • Chỏm khớp dẹt: Là hậu quả của loạn sản sụn chỏm xương đùi.
  • Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi do viêm tắc động mạch nuôi dưỡng đầu xương đùi.
  • Lồi ổ cối bẩm sinh.
  • Di chứng chấn thương, vi chấn thương.
  • Di chứng viêm (lao, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm mủ…).

Triệu chứng của thoái hóa khớp háng.

  • Đau ở vùng bèn hoặc phần trên mông, lan xuống đùi, có khi chỉ đau ở trước đùi và khớp gối. Đau xuất hiện từ từ tăng dần, đau tăng khi đi lại, đứng lâu, thay đổi thời tiết, giảm khi nghỉ ngơi. Có thể có dấu hiệu “phá rỉ khớp” khi khởi động.
  • Hạn chế vận động: Lúc đầu khó làm một số động tác (ngồi xổm, lên xe đạp, bước lên bậc cao…), về sau hạn chế nhiều, đi khập khiễng, phải chống gậy.
  • Có các điểm đau ở mặt trước khớp và phần trên mông. Đo thấy chân bệnh ngắn hơn chân lành trong một số trường hợp.
  • Hạn chế vận động một số động tác khác, nhất là gấp.

3.3 Thoái hóa khớp bàn tay

Nguyên nhân của thoái hóa khớp bàn tay.

Ngoài những nguyên nhân chung của thoái hóa khớp thì ở các khớp bàn tay có đặc điểm là thường xuyên phải hoạt động linh hoạt với tần suất lớn, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp bàn tay.

Một số ngành nghề thường gặp: Làm thợ thủ công, chơi nhạc cụ, vận hành máy móc…

Ngoài ra bàn tay cũng là vị trí hay gặp của một số loại chấn thương như gãy xương, trật khớp, bong gân… Khi không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm.

Triệu chứng của thoái hóa khớp bàn tay

Thường đau ít, cảm giác buồn, bứt rứt trong xương, hạn chế vận động khớp.

4. Điều trị thoái hóa khớp

4.1 Mục tiêu điều trị

  • Giảm đau.
  • Duy trì và tăng khả năng vận động.
  • Hạn chế ngăn ngừa biến dạng khớp.
  • Tránh các tác dụng phụ của thuốc.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

4.2 Điều trị nội khoa

Điều trị không dùng thuốc

  • Cần giảm cân nếu đang bị thừa cân để giảm áp lực lên khớp.
  • Sửa chữa các tư thế bị sai gây lệch trục khớp.
  • Vật lý trị liệu: Có tác dụng giảm đau, duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị các đau gân và cơ kết hợp.
  • Nhiệt điều trị: Siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao.
  • Phương pháp thủy trị liệu (tập luyện dưới nước, bơi).

Điều trị sử dụng thuốc

Đau nhức xương khớp nói chung là một bệnh thường gặp tại nhà thuốc và xảy ra trên những nhóm đối tượng đặc trưng: Người già, người thường xuyên vận động cường độ cao (công nhân lao động, vận động viên…).

Vậy cho bệnh nhân thoái hóa xương khớp uống thuốc gì?

Thì đối với dược sĩ tại nhà thuốc, khi tiếp một case lâm sàng thì có 2 câu hỏi phải trả lời được sau khi bệnh nhân nêu mô tả, triệu chứng bệnh mà mình gặp.

  • Động cơ nào là chính khiến bệnh nhân quyết định tới nhà thuốc?
  • Chẩn đoán của dược sĩ là gì?

Phần lớn đối với thoái hóa khớp khiến bệnh nhân đến nhà thuốc là do đau quá ngưỡng chịu của họ.

Cho nên thuốc giảm đau sẽ là lựa chọn đầu tiên cho bệnh nhân.

Việc lựa chọn thuốc gì, dạng dùng là gì thì tùy trên mỗi bệnh nhân cụ thể sẽ chọn loại phù hợp.

  • Nếu chẩn đoán là thoái hóa khớp, lựa chọn thêm nhóm thuốc có tác dụng kích thích tế bào sụn, tăng tổng hợp proteoglycan, ức chế các men… hoặc thay đổi chất nhầy. Bao gồm các thuốc: Glucosamin sulfat, Chondroitin sulfat. Nhưng nhóm thuốc này có tác dụng chậm nên cần dùng phối hợp với thuốc giảm đau.
  • Thuốc ức chế cytokin: Diacerein - một dẫn xuất của anthraquinone làm kìm hãm NF-kB, có thể ngăn chặn sản xuất IL-1B, kìm hãm sự sản xuất NO.
Câu hỏi: Cytokine đóng vai trò như thế nào với thoái hóa khớp?
Trả lời: Cytokine đóng vai trò trong việc phá hủy sụn thông qua cơ chế: Kích thích enzyme phân giải sụn (MMPs); Ức chế tế bào sụn sản sinh chất nền sụn (Collagen type II, Aggrecan); Tăng sản xuất NO và Prostaglandin E2.
 
Tác động đến tế bào sụn: Gây rối loạn quá trình biệt hóa và sống sót của tế bào sụn; Làm tăng quá trình apoptosis (chết tế bào theo chương trình).

4.2 Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa khi thất bại với nội khoa, và thường được chỉ định khi hạn chế chức năng nhiều.

Mở rộng: Có rất nhiều case lâm sàng nguyên nhân thì phần gốc nằm ở xương nhưng biểu hiện triệu chứng phận ngọn lại ở một cơ quan khác, dẫn đến điều trị mãi nhưng không cải thiện. Bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ nhưng lại đau nhiều thậm chí đau dữ dội ở đầu, kèm theo hoa mắt chóng mặt. Uống các thuốc bổ não, hoạt huyết mãi không thấy cải thiện. Nguyên nhân là do thoái hóa khớp gây ra những biến chứng tại khớp, biến dạng khớp gây chèn ép dây thần kinh và mạch máu lên não. Đây mới là nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Bệnh này sẽ được trình bày rõ hơn ở bài “Thoái hóa cột sống”
Mục Lục