Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Viêm Đại Tràng

Viêm đại tràng rất phổ biến ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, là gánh nặng với sức khỏe cộng đồng đặc biệt ở các khu vực có điều kiện vệ sinh thực phẩm chưa tốt và môi trường sống nhiều căng thẳng.

1. Phân loại bệnh viêm đại tràng

Có nhiều tiêu chí để phân loại như thời gian tiến triển của bệnh, nguyên nhân gây bệnh, vị trí tổn thương đại tràng, theo đặc điểm mô học. Tổng hợp lại ta có thể phân loại như sau

  • Viêm đại tràng nhiễm trùng (ban đầu là cấp tính sau chuyển sang mạn tính).
  • Viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu.
  • Viêm đại tràng giả mạc.
  • Viêm loét đại tràng (Ulcerative colitis - UC).
  • Bệnh Crohn.
  • Viêm đại tràng thiếu máu.
  • Viêm đại tràng do xạ trị.

2. Nguyên nhân gây bệnh

2.1 Viêm đại tràng nhiễm trùng

Do vi sinh vật xâm nhập vào đường tiêu hóa gây tổn thương niêm mạc đại tràng, dẫn đến phản ứng viêm và rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng.

Trong đó: Shigella, Salmonella, Lỵ amip (Xem lại bài nhiễm khuẩn tiêu hóa).

Điều kiện thuận lợi gây viêm đại tràng nhiễm trùng

  • Ăn uống không hợp vệ sinh.
  • Dùng kháng sinh kéo dài → Loạn khuẩn đường ruột.
  • Suy giảm miễn dịch.
  • Tuổi cao, trẻ nhỏ.
  • Đi du lịch vùng có dịch.
  • Bệnh nền tiêu hóa mạn tính.

Trong số đó yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm là chiếm chủ yếu.

2.2 Viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu

Đây là tình trạng viêm đại tràng kéo dài nhưng không tìm thấy nguyên nhân cụ thể nào: vi khuẩn, ký sinh trùng hay tự miễn. Bệnh có thể đến từ một số nguyên nhân sau:

  • Rối loạn hệ vi sinh đường ruột: Dùng kháng sinh kéo dài → loạn khuẩn ruột.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn uống thất thường, quá nhiều đồ chiên rán, cay nóng, rượu bia. Ăn thiếu chất xơ, rau xanh → giảm nhu động ruột, táo bón → viêm kéo dài. Thực phẩm bẩn chứa chất bảo quản, thuốc trừ sâu → kích thích ruột lâu dài.
  • Căng thẳng tâm lý (Stress) kéo dài: Đây là nguyên nhân đang làm gia tăng bệnh viêm đại tràng hiện nay và ở người trẻ tuổi.
  • Tác dụng phụ của thuốc: NSAID, thuốc nhuận tràng, kháng sinh.
  • Cơ địa dị ứng hoặc tăng nhạy cảm đại tràng,
  • Hậu quả của đợt cấp không điều trị triệt để.

2.3 Viêm đại tràng giả mạc

Là một dạng viêm đại tràng cấp tính nặng, do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridioides difficile (C.difficile).

C.difficile tiết ra độc tố A và B gây hoại tử tế bào gây viêm, phù nề tạo nên màng giả có màu trắng-vàng trên niêm mạc đại tràng. Lớp màng giả đó gồm fibrin, bạch cầu, xác tế bào chết.

Điều kiện thuận lợi làm C.difficile bùng phát:

  • Dùng kháng sinh phổ rộng nhưng không tác động đến C.difficile (đặc biệt lưu ý khi dùng Clindamycin).
  • Tuổi cao > 65 tuổi.
  • Nằm viện lâu ngày: Nguy cơ nhiễm chéo.
  • Dùng thuốc ức chế tiết acid dạ dày kéo dài dẫn đến việc nhiều vi khuẩn gây hại có thể sống sót và xuống tới ruột.

2.4 Viêm loét đại tràng (UC)

Hiện nay nguyên nhân gây viêm loét đại tràng chưa xác định rõ đâu là nguyên nhân mà được cho là liên quan đến sự tương tác giữa nhiều yếu tố.

  • Rối loạn miễn dịch: Hệ miễn dịch tấn công nhầm niêm mạc ruột, dẫn đến viêm mạn tính. Đây là bệnh tự miễn dạng đặc biệt.

Xem lại bài viêm khớp dạng thấp, 2 bệnh này có mối quan hệ với nhau.

  • Hút thuốc lá: Điều đặc biệt là đối với người bị UC và có hút thuốc lá, khi ngừng hút thuốc có nguy cơ khởi phát UC tăng lên. Có thể Nicotin giúp điều hòa miễn dịch.
  • Ngoài ra các yếu tố như stress, mất cân bằng vi sinh đường ruột là yếu tố chung của bệnh đại tràng.

2.5 Bệnh Crohn

Tương tự với bệnh viêm loét đại tràng (UC), thì bệnh Crohn cũng là bệnh tự miễn và nguyên nhân chưa xác định rõ.

Bệnh có đặc trưng là viêm xuyên thành và có thể xảy ra xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của ống tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn).

  • Rối loạn miễn dịch: Tấn công vào thành ruột khi phản ứng các vi khuẩn thường trú hoặc tác nhân môi trường. Tạo ra tình trạng viêm mạn tính xuyên thành (toàn bộ lớp thành ruột chứ không chỉ lớp niêm mạc). Gây tổn thương dạng loét sâu, hẹp, rò, áp xe ống tiêu hóa.
  • Yếu tố di truyền: Bệnh Crohn có tính di truyền rõ hơn viêm loét đại tràng với khoảng 15-20% bệnh nhân có người thân mắc.
  • Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ khởi phát ngược lại với UC.
  • Các yếu tố chung: Stress, mất cân bằng vi sinh đường ruột.

2.6 Viêm đại tràng thiếu máu

Khi lưu lượng máu đến đại tràng giảm (do tắc mạch, hẹp mạch, tụt huyết áp,...) → tế bào niêm mạc không được cung cấp đủ oxy → thiếu máu cục bộ.

Tình trạng này kéo dài dẫn đến viêm, phù nề, chảy máu, hoại tử niêm mạc → viêm đại tràng thiếu máu.

Nguyên nhân gây giảm tưới máu:

* Tạm thời (thiếu máu cục bộ thoáng qua)

  • Huyết áp thấp (sốc, mất máu, mất nước).
  • Suy tim nặng.
  • Lọc máu (giảm áp suất tưới máu tạng).
  • Tập luyện quá sức ở người lớn tuổi.

* Thiếu máu do bệnh lý mạch máu

  • Xơ vữa động mạch.
  • Hẹp hoặc tắc động mạch mạc treo do huyết khối, thuyên tắc.
  • Phình động mạch chủ bụng.
  • Rối loạn đông máu, bệnh lý tim.

Vị trí thường gặp là những đoạn đại tràng có tuần hoàn mạch máu kém nhất: Góc lách, Đại tràng sigma, đại tràng trái.

2.7 Viêm đại tràng do xạ trị.

Do tác động của tia xạ ion hóa khi thực hiện xạ trị ung thư vùng chậu như:

  • Ung thư cổ tử cung.
  • Ung thư tiền liệt tuyến.
  • Ung thư bàng quang.
  • Ung thư trực tràng hoặc hậu môn.
  • Ung thư nội mạc tử cung, buồng trứng.

Tác động trực tiếp của tia xạ lên mô ruột.

  • DNA của tế bào niêm mạc ruột bị phá hủy, đặc biệt là các tế bào đang phân chia → tổn thương hàng rào bảo vệ.
  • Gây viêm, phù nề, mất lớp nhầy bảo vệ → dễ loét, chảy máu.
  • Các mạch máu nhỏ xơ hóa → hẹp các mao mạch dưới niêm, giảm tưới máu mạn tính → thiếu máu cục bộ → hoại tử, loét.

3. Triệu chứng của viêm đại tràng

Triệu chứng chung

  • Đau bụng: Vị trí thường gặp là vùng hạ vị hoặc hai hố chậu, đau quặn, đôi khi lan dọc theo khung đại tràng.
  • Tiêu chảy: Có thể kèm nhầy, mủ hoặc máu. Số lần đi tiêu có thể tăng rõ rệt thậm chí > 10 lần/ngày trong viêm nặng.
  • Mót rặn: Cảm giác muốn đi ngoài nhưng không đi được hoặc chỉ ra chút ít phân hoặc dịch nhầy.
  • Sốt: Thường gặp trong viêm đại tràng do nhiễm trùng hoặc bệnh viêm ruột mạn tính (IBD) như viêm loét đại tràng.
  • Chán ăn, buồn nôn: Do tình trạng viêm nhiễm toàn thân ảnh hưởng đến tiêu hóa.
  • Giảm cân: Khi bệnh kéo dài hoặc nặng, hấp thu dinh dưỡng kém.
  • Thiếu máu: Nếu mất máu mạn tính qua phân hoặc do viêm kéo dài gây biểu hiện chung của hội chứng thiếu máu.

Triệu chứng riêng từ một số nguyên nhân cụ thể

 

Nguyên nhân

Triệu chứng

Viêm loét đại tràng (UC)

Tiêu chảy máu, mót rặn, đau bụng vùng trực tràng, có thể sốt nhẹ.

Bệnh Crohn

Đau bụng âm ỉ, tiêu chảy kéo dài, có thể có rò hậu môn.

Viêm đại tràng nhiễm trùng

Tiêu chảy cấp, phân nhầy/mủ/máu, sốt cao, mất nước.

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Đau bụng đột ngột, phân có máu, thường gặp ở người lớn tuổi có bệnh tim mạch.

 

4. Điều trị viêm đại tràng

4.1 Nguyên tắc điều trị

  • Xác định rõ nguyên nhân: Nhiễm trùng, viêm loét đại tràng, Crohn, thiếu máu cục bộ…
  • Điều trị triệu chứng: Tiêu chảy, giảm đau,...
  • Ngăn ngừa biến chứng: Mất nước, thủng ruột, nhiễm trùng lan rộng.
  • Điều trị duy trì (nếu đã thành mạn tính): Kiểm soát bệnh lâu dài, hạn chế tái phát.

4.2 Điều trị cụ thể theo nguyên nhân

Nguyên nhân viêm đại tràng (VĐT)

Điều trị

VĐT nhiễm trùng

- Kháng sinh.

- Bù nước và điện giải.

- Lưu ý: Không dùng thuốc cầm tiêu chảy trong trường hợp có máu trong phân. 

Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn

Là bệnh do tự miễn: Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.

Phẫu thuật: Cắt đại tràng nếu có biến chứng hoặc điều trị nội khoa thất bại.

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Nghỉ ngơi ruột: Ngưng ăn uống tạm thời.

Truyền dịch, thuốc vận mạch nếu tụt huyết áp.

Theo dõi biến chứng: Nếu nặng có thể cần phẫu thuật.

4.3 Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn

  • Ăn đồ mềm, dễ tiêu.
  • Uống đủ nước, oresol khi tiêu chảy.
  • Bổ sung men vi sinh.
  • Ngủ nghỉ đủ giấc, tránh căng thẳng.

4.4 Quản lý bệnh viêm đại tràng mạn tính

Sau khi thực hiện theo tất cả các yêu cầu trên từ xác định nguyên nhân gây bệnh, điều trị các đợt cấp tính. Bệnh viêm đại tràng hiện nay thường được biết đến là bệnh mạn tính nhiều hơn.

Người bị viêm mạn tính thường gặp rất nhiều những sự bất tiện trong cuộc sống đặc biệt là về vấn đề ăn uống. Có nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng không dám đi đâu chơi vì sợ ăn cái gì lạ vào thì lại tiêu chảy, rồi bụng kêu không tự chủ như đang xì hơi.

Vậy làm cách nào để giúp ích cho bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính.

  • Men vi sinh cho đại tràng.
  • Thực phẩm chức năng hỗ trợ đại tràng.

Vẫn theo một nguyên tắc của y học cổ truyền “Hư thì bổ, thực thì tả” nghĩa là với những bệnh thuộc hư chứng - bệnh mạn tính thì sẽ dùng đồ bổ/đồ giúp hỗ trợ cho bệnh đó.

Về thực phẩm chức năng và men, điều quan trọng nhất là tìm được sản phẩm phù hợp với đối tượng cụ thể đó.

 

Mục Lục