Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận, cụ thể hơn là suy vỏ thượng thận là bệnh nội tiết cũng rất hay gặp tại nhà thuốc và đặc biệt có nguyên nhân gây bệnh một tỷ lệ là từ nhà thuốc mà ra. Tại sao lại như vậy?

1. Tổng quan về bệnh suy tuyến thượng thận

Tại nội dung học phần này, admin sẽ sử dụng thuật ngữ suy tuyến thượng thận thay vì suy vỏ thượng thận. Về bản chất thì không chính xác, vì tuyến thượng thận bao gồm vỏ thượng thận và tủy thượng thận. 

Tuy nhiên, đây là web hướng tới dược sĩ nhà thuốc, nên một điều quan trọng là sự tương đồng trong ngôn ngữ giao tiếp của bệnh nhân với dược sĩ.

Đại đa số bệnh nhân sẽ gọi là suy tuyến thượng thận chứ không gọi là suy vỏ thượng thận. Nên chúng ta sẽ sử dụng thuật ngữ là suy tuyến thượng thận.

Như ở học phần giải phẫu đã tổng kết về chương nội tiết, để dễ nhớ thì mỗi tuyến sẽ gắn với một hormon và một chức năng key. Thì đối với vỏ thượng thận có 2 key cần nhớ là cortisol và stress.

Suy tuyến thượng thận rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, làm giảm sản xuất corticoid chuyển hóa đường, corticoid chuyển hóa muối nước và androgen. Những rối loạn này có thể là nguyên phát tùy thuộc vào tổn thương tại tuyến thượng thận hoặc thứ phát do tuyến yên tiết ACTH không đủ.

2. Nguyên nhân của suy tuyến thượng thận

2.1 Suy tuyến thượng thận nguyên phát

  • Bệnh lý tự miễn: Viêm thượng thận tự miễn.
  • Nhiễm khuẩn: Lao thượng thận, nhiễm khuẩn huyết mô cầu.
  • Ung thư di căn: Ung thư phổi, ung thư vú, bệnh bạch cầu.
  • Nhiễm Virus: CMV, HIV/AIDS.
  • Nhiễm nấm: Histoplasmosis, Coccidioidomycosis.
  • Bệnh lý thâm nhiễm: Sarcoidosis, Amyloidosis, Hemochromatosis.
  • Xuất huyết thượng thận: Điều trị chống đông, chấn thương bụng.
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh (thiếu men 21-hydroxylase gây thiếu corticoid và mineralocorticoid, tăng androgen), phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận.
  • Nhồi máu tuyến thượng thận: Nhiễm khuẩn quá nặng.

2.2 Suy tuyến thượng thận thứ phát

  • Do dùng Corticoid: Phụ thuộc vào thời gian và liều dùng, thường xảy ra ở những trường hợp dùng liều cao, kéo dài điều trị một số bệnh mạn tính như bệnh khớp, hen phế quản, dị ứng,..
  • Do dung thuốc khác: Etomidate, Ketoconazole, Fluconazole, Aminoglutethimide…
  • Suy tuyến yên: Hoại tử tuyến yên sau đẻ mất máu, khối u, nhiễm khuẩn, tự miễn, thâm nhiễm hạt, chấn thương, teo, phẫu thuật, xạ trị vùng hố yên.
Câu hỏi: Lý do tại sao dùng thuốc corticoid trong điều trị bệnh khác có thể dẫn đến suy tuyến thượng thận.
Trả lời: Nếu nắm chắc phần giải phẫu, có thể suy luận ra câu trả lời này. Corticoid được tiết ra là corticoid sinh lý giúp cơ thể hoạt động bình thường. Theo nhịp tiết nồng độ sẽ đạt đỉnh vào 8h sáng, sau đó giảm dần và thấp nhất 23h - 1h sáng (gần như bằng 0) và sau đó sẽ được tiết tăng dần trở lại. Và nhớ lại một key của học phần nội tiết đó là Feedback âm tính - đó là khi nồng độ hormone cao sẽ có sự ức chế ngược lại để làm giảm tiết. Ở đây sẽ là trục HPA (vùng hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận).
 
Do đó khi ta uống thuốc corticoid từ bên ngoài, không cùng với nhịp tiết sinh lý của cơ thể. Dẫn đến nồng độ Corticoid trong máu sẽ cao ở những thời điểm đáng lẽ phải thấp ví dụ nhiều chiều tối). Khiến cho cơ thể tiếp tục phải ra tín hiệu ức chế trục HPA (gần như cả ngày, yêu cầu tuyến thượng thận không được tiết nữa nhưng thực tế là nó có tiết đâu?). Theo thời gian tuyến thượng thận sẽ luôn bị ức chế gây nên suy, không còn khả năng tiết corticoid nội sinh được nữa.

Tiếp tục

Câu hỏi: Đa phần các dược sĩ đều biết Corticoid có tác dụng phụ trên tuyến thượng thận như vậy nên cũng sẽ ít khi kê liều cao và kéo dài. Nhưng tại sao nguyên nhân suy tuyến thượng thận do sử dụng thuốc tại nhà thuốc vấn có.
Trả lời: Thuốc corticoid được biết là con dao hai lưỡi và cái lưỡi trong điều trị bệnh quả thực rất hiệu quả và hiệu quả trong nhiều bệnh thường gặp tại nhà thuốc. Điều đó dẫn đến một sự việc đó là khi uống thuốc tại nhà thuốc này thấy không hết bệnh, bệnh nhân sẽ qua nhà thuốc khác để mua chứ không quay lại nhà thuốc cũ để mua tiếp. Như vậy có thể bệnh nhân uống 5 ngày corticoid ở nhà thuốc A, xong lại uống thêm 5 ngày corticoid ở nhà thuốc B… Bản thân dược sĩ tại mỗi nhà thuốc sẽ không sai trong nguyên tắc sử dụng Corticoid, nhưng đối với bệnh nhân sẽ có sự cộng dồn lại mà không biết. Đấy chính là lý do tại sao nhà thuốc là một trong những nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận.

2.3 Suy tuyến thượng thận đệ tam cấp

Giảm sản xuất CRH của vùng dưới đồi: U màng não, khối u vùng dưới đồi.

3. Chẩn đoán suy tuyến thượng thận

3.1 Suy tuyến thượng thận mạn tính

Logic lại với bài dược lý hoặc giải phẫu để biết vai trò của corticoid với cơ thể là như thế nào để hiểu thêm về phần này.

  • Mệt mỏi: Mệt về thể xác, tinh thần và sinh dục. Ngay khi ngủ dậy đã mệt và tăng lên dần trong ngày, dần dần bệnh nhân không đi được, nằm liệt giường, không ăn được. Mệt mỏi tâm thần được biểu hiện bằng suy nghĩ chậm, vô cảm, trầm cảm xen lẫn với những lúc nóng nảy, gây gổ. Nam giới có thể bị bất lực, phụ nữ mất kinh, giảm ham muốn. Mệt mỏi cũng là lý do chính đưa bệnh nhân đi khám.
  • Sút cân: Từ từ, do mất nước, mất muối, kém ăn, nên nhiều khi bệnh nhân không để ý.
  • Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, nôn, buồn nôn, đau bụng, ỉa chảy.
  • Sạm da: Mau nâu đồng (chỉ có trong suy tuyến thượng thận nguyên phát) gặp ở vùng da hở, vùng tiếp xúc với ánh nắng, những vùng cọ sát hoặc vùng có sẹo mới, mặt, cổ, nếp gấp bàn tay, sạm da núm vú có màu nâu sẫm, thắt lưng, đầu gối. Ở bàn tay đặc biệt các nếp gấp đều nâu hoặc đen, móng tay có vạch sậm màu.
  • Hạ huyết áp: Huyết áp bệnh nhân thường thấp, mạch yếu, rất thường gặp hạ huyết áp tư thế, shock.
  • Các triệu chứng khác: Hạ đường huyết, chuột rút, thèm ăn muối, muốn uống nước lạnh.

3.2 Suy tuyến thượng thận cấp

Đây là một cấp cứu nội tiết nguy hiểm, cần phải được chẩn đoán ngay lập tức và điều trị kịp thời, phải xác định các dấu hiệu của những bệnh dẫn đến suy thượng thận cấp.

Xuất hiện trên nền suy tuyến thượng thận mạn tính có tăng nhu cầu corticoid như: Nhiễm khuẩn nặng, stress cấp tính hay xuất huyết thượng thận 2 bên, dừng corticoid đột ngột, các bệnh nhân có bệnh lý tuyến yên, tiền sử mổ u  tuyến yên…

  • Sốt, trụy mạch không lý giải được do các bệnh lý khác.
  • Triệu chứng thần kinh hay tâm thần do hạ đường huyết, hạ natri máu, mất nước như: suy nhược, kích động, lú lẫn, tăng nhiệt, đau cơ, chuột rút…
  • Bệnh cảnh viêm dạ dày ruột cấp như buồn nôn, nôn, đau bụng cấp.
Mở rộng: Để phân biệt suy tuyến thượng thận cấp nguyên phát hay thứ phát trên lâm sàng thì sạm da chính là một trong những yếu tố để đánh giá. Nguyên phát thì sẽ có sạm da, sạm niêm mạc. Còn thứ phát thì không có sạm da, chỉ có da nhợt nhạt. Ngoài ra, nguyên phát thì không có triệu chứng của suy tuyến yên bao gồm suy sinh dục và suy giáp đi kèm; còn thứ phát thì có triệu chứng của suy tuyến yên gồm suy sinh dục: Không có lông nách, lông mu hoặc thưa thớt, tinh hoàn nhỏ, dậy thì chậm…

4. Điều trị suy tuyến thượng thận

4.1 Nguyên tắc điều trị

  • Chẩn đoán chắc chắn.
  • Ở suy tuyến thượng thận nguyên phát mạn tính, cần bổ sung corticoid chuyển hóa muối khoáng. Ở suy tuyến thượng thận thứ phát chỉ bổ sung corticoid có thể đã đủ.
  • Thay thế một cách thận trọng: Liều tối thiểu có thể mà không gây ra tác dụng phụ. Mục tiêu là thay thế sản xuất cortisol bình thường: Liều thay thế đủ có thể không ức chế được hoàn toàn ACTH, MSH thay đổi màu da, nguy cơ loãng xương về lâu dài và/hoặc mắc hội chứng cushing.
  • Bệnh nhân cần tăng liều gấp đôi hoặc gấp ba trong giai đoạn stress hoặc phẫu thuật.
  • Bệnh nhân phải đeo vòng tay cảnh báo.

4.2 Điều trị suy tuyến thượng thận cấp

Đây là trường hợp cần được điều trị tại bệnh viện.

  • Bù nước và điện giải đường tĩnh mạch để hồi phục thể tích dịch thiếu.
  • Bổ sung hormon: Hydrocortison tiêm tĩnh mạch/tiêm bắp. Có thể phối hợp với mineralocorticoid. Lưu ý nếu suy tuyến thượng thận thứ phát thì chỉ dùng Hydrocortison không dùng Mineralocorticoid.
  • Điều trị những nguyên nhân dẫn tới suy thượng thận cấp.
  • Theo dõi diễn biến điều trị bằng điện giải đồ.

4.3 Điều trị suy tuyến thượng thận mạn tính nguyên phát

Dùng hormon thay thế

  • Thay thế glucocorticoid thiếu bằng Hydrocortison.
  • Thay thế mineralocorticoid bằng fludrocortisone. Đây là corticoid chuyển hóa muối nước.
  • Đánh giá hiệu quả điều trị bằng lâm sàng, điện giải máu, renin huyết tương.
  • Chế độ ăn muối bình thường.
  • Dự phòng nguy cơ suy thượng thận cấp.
  • Cần hiệu chỉnh lại liệu khi gặp stress.
Câu hỏi: Tại sao lại chọn Hydrocortison mà không phải các corticoid khác.
Trả lời: Trong các thuốc corticoid tổng hợp thì Hydrocortisone là có tác dụng giống với cortisol sinh lý nhất. Nhờ đó giúp giảm các tác dụng phụ do corticoid gây ra. Nếu hết hàng Hydrocortisone, các bác sĩ có thể cân nhắc chuyển sang dùng Methylprednisolon
Mục Lục