Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Nhiễm Trùng Tiểu

Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm thuộc hệ tiết niệu. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở phụ nữ hơn.

1. Nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu

1.1 Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Gram (-): E.coli chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 80%).

Đường gây bệnh hay gặp nhất là vi khuẩn xâm nhập vào từ môi trường bên ngoài qua niệu đạo, đi ngược dòng lên bàng quang và từ đó có thể lên niệu quản, thận. Nhiễm khuẩn tiết niệu xảy ra do sự tương tác giữa độc tính của chủng vi khuẩn, mức độ sản sinh và cơ chế đề kháng tại chỗ cũng như đề kháng toàn thân của cơ thể.

Bình thường vi khuẩn từ niệu đạo vào bàng quang sẽ bị đào thải nhanh chóng do bị pha loãng, dội sạch khi đi tiểu và tác dụng kháng khuẩn trực tiếp của niêm mạc, phản ứng của các bạch cầu trung tính trong thành bàng quang. Khi xuất hiện những điều kiện thuận lợi trên thì cơ chế đề kháng của cơ thể bị suy giảm và nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu dễ xảy ra.

Nhiễm khuẩn tiết niệu theo đường máu chỉ xảy ra ở những cơ thế suy yếu do bệnh mạn tính hoặc do dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.

Từ vị trí nhiễm khuẩn, được phân loại thành 2 dạng:

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới: Viêm niệu đạo, viêm bàng quang.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu trên: Viêm thận - Bể thận.

1.2 Điều kiện thuận lợi gây nhiễm khuẩn tiết niệu

  • Tắc nghẽn đường tiểu do u, sỏi, dị dạng đường tiểu hoặc phì đại tuyến tiền liệt gây chèn ép.
  • Rối loạn chức năng bàng quang do thần kinh.
  • Hồi lưu bàng quang niệu quản: Trào ngược nước tiểu từ bàng quang vào niệu quản.
  • Hoạt động tình dục, thai nghén.
  • Bệnh mắc kèm: Đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
  • Đặc biệt nhiễm khuẩn tiết niệu hay xảy ra khi đặt sonde bàng quang.

2. Triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiết niệu

2.1 Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới

  • Tiểu buốt: Cảm giác nóng rát, đau khi đi tiểu. Có thể lan xuống vùng niệu đạo.
  • Tiểu rắt: Đi tiểu nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần lượng nước tiểu ít. Thường xuất hiện cảm giác mót tiểu nhưng đi tiểu không thoải mái.
  • Tiểu gấp: Cảm giác buồn tiểu đột ngột, khó nhịn. Có thể xảy ra cả ban ngày lẫn ban đêm.
  • Nước tiểu bất thường: Nước tiểu đục, có mùi khai nồng. Đôi khi có máu (tiểu máu vi thể hoặc đại thể).
  • Đau vùng bụng dưới: Nếu vị trí nhiễm khuẩn là bàng quang sẽ có cảm giác căng tức hoặc đau âm ỉ vùng trên xương mu, không lan lên vùng lưng.

2.2 Nhiễm khuẩn tiết niệu trên.

  • Sẽ bao gồm các triệu chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu dưới nhưng xuất hiện đột ngột và rầm rộ hơn.
  • Thể trạng suy sụp nhanh, có thể kèm theo triệu chứng viêm bàng quang.
  • Sốt cao, ớn lạnh, rét run: Sốt thường trên 38,5*C, có thể dao động trong ngày. Ớn lạnh, vã mồ hôi, cảm giác mệt mỏi toàn thân. Cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chán ăn.
  • Đau âm ỉ hoặc đau dữ dội vùng lưng dưới, cạnh cột sống. Có thể kèm theo co cứng cơ lưng, đau tăng khi ấn nhẹ vùng thận.
Lưu ý: Dấu hiệu sốt cao, rét run dùng để phân biệt với nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới.

3. Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu

Ngay tên bệnh đã cho ta biết phải dùng thuốc gì để điều trị. Với nhiễm khuẩn bắt buộc phải dùng kháng sinh.

Với nhiễm khuẩn tiết niệu dưới có thể điều trị ngoại trú. Còn với viêm thận bể thận cấp có biến chứng nhiễm khuẩn huyết cần điều trị tại bệnh viện.

Kháng sinh là thuốc điều trị chủ đạo chính trong phác đồ.

  • Dùng đúng nguyên tắc sử dụng kháng sinh về liều dùng và thời gian dùng.
  • Lưu ý đến chủng vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn Gram (-). Do vậy cần lựa chọn vi khuẩn tác dụng tốt trên phổ này như Cephalosporin thế hệ III, chứ không nên ngay từ đầu đã lựa chọn kháng sinh phổ rộng như Quinolon.

Thuốc kháng viêm

Lựa chọn thuốc NSAID: Diclofenac, Meloxicam.

Thuốc giảm co thắt cơ trên: Alverin, Drotaverin.

Thuốc sát khuẩn đường tiết niệu: Domitazol,...

Bên cạnh đó điều trị nguyên nhân nền nếu có.

  • Sỏi thận, dị dạng đường tiết niệu, u chèn ép cần được xử trí triệt để.
  • Thay ống thông tiểu nếu bệnh nhân đang dùng.
Lưu ý: Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị. Bệnh nhân cần uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để tăng lượng nước tiểu, giúp đẩy vi khuẩn ra ngoài. Theo dõi các dấu hiệu của nhiễm trùng toàn thân.

4. Tiến triển và biến chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu

Tiến triển và biến chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu phụ thuộc vào vị trí nhiễm khuẩn, mức độ bệnh và việc tuân thủ điều trị. Nếu được điều trị sớm hầu như các trường hợp sẽ hồi phục hoàn toàn.

Đối với nhiễm khuẩn tiết niệu dưới: Thường hồi phục nhanh sau vài ngày điều trị kháng sinh nhưng dễ bị tái lại nếu không điều trị triệt để.

Đối với nhiễm khuẩn tiết niệu trên: Cần điều trị tích cực và theo dõi sát. Có thể để lại sẹo thận nếu tái phát nhiều lần hoặc không điều trị sớm.

Biến chứng có thể gặp

  • Sốc nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết: Hay xảy ra với bệnh nhân viêm thận - bể thận, người già. Biểu hiện sốt cao, mạch nhanh, huyết áp tụt, rối loạn ý thức.
  • Viêm thận - bể thận mạn tính: Xảy ra nếu nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần ở bệnh nhân có yếu tố thuận lợi (sỏi, u, dị dạng đường niệu không được loại bỏ).
  • Suy thận mạn là diễn biến cuối cùng của viêm thận - bể thận cấp tái phát hoặc viêm thận - bể thận mạn.
  • Áp xe quanh thận: Hình thành ổ mủ quanh thận do viêm lan rộng, cần điều trị kháng sinh mạnh và dẫn lưu mủ.
Mục Lục