Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Tăng Huyết Áp

Bệnh Tăng huyết áp thuốc nhóm bệnh huyết áp - tim mạch là nhóm bệnh có số người chết đứng đầu trong các bệnh lý trên thế giới. Đây cũng là nhóm bệnh cần có những cuộc hội chẩn của các bác sĩ chuyên khoa trước khi đưa ra phác đồ điều trị.

Vậy với vai trò là dược sĩ tại nhà thuốc thì sẽ có đóng góp gì trong bệnh lý này.

Nhận biết các dấu hiệu của bệnh đặc biệt là các dấu hiệu mà dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác.

Tư vấn sử dụng thuốc đúng cách sao cho hiệu quả và nhận biết tác dụng phụ của thuốc để bệnh nhân thông báo lại với bác sĩ điều trị

Tư vấn về chế độ sinh hoạt dành cho bệnh nhân đang điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Ở bài học này sẽ không nói hết các bệnh lý về tim mạch mà chỉ nói đến những bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp mà thôi.

1. Tổng quan về bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là tình trạng tăng huyết áp tâm thu và/hoặc huyết áp tâm trương có hoặc không có nguyên nhân.

  • Huyết áp tâm thu (hay còn gọi là huyết áp tối đa) là áp lực máu trong động mạch khi tim co bóp để bơm máu ra khỏi tim và đi khắp cơ thể.
  • Huyết áp tâm trương (còn gọi là huyết áp tối thiểu) là áp lực máu trong động mạch khi tim đang nghỉ giữa hai lần co bóp, tức là khi tim đang giãn ra để nhận máu trở lại.

Trên các máy đo huyết áp điện tử thông thường sẽ thể hiện 3 chỉ số

  • Huyết áp tâm trương: Số lớn.
  • Huyết áp tâm thu: Số nhỏ.
  • Nhịp tim.

Như vậy, dược sĩ nhà thuốc phải nắm được và giải thích cho khách biết các thông số sau khi đo, dù không giỏi tiếng anh. Không đến lúc đo xong, máy hiện lên 3 số lại không biết nó là gì. Và cũng giải thích được sơ bộ lý do tại sao cái số này cao, số kia lại thấp.

2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp

90-95% trường hợp tăng huyết áp là không có nguyên nhân. Như đã đề cập ở học phần dược lý bài học thuốc tăng huyết áp thì:

Huyết áp = Cung lượng tim x Sức cản ngoại vi.

Như vậy cung lượng tim hoặc sức cản ngoại vi lớn sẽ dẫn đến tăng huyết áp.

Vậy tại sao có đến 90-95% trường hợp tăng huyết áp là vô căn, bởi vì nếu gọi là nguyên nhân thì nó phải là yếu tố ban đầu (gọi là yếu tố A), từ yếu tố A có thể tác động đến các yếu tố B, C,... rồi mới ra kết quả là tăng huyết áp.

- Vậy nguyên nhân làm tăng cung lượng tim do đâu?

- Do tăng sức co bóp cơ tim hoặc/và tăng thể tích tuần hoàn.

- Lại đặt tiếp câu hỏi cho một nhánh là nguyên nhân tăng sức co bóp cơ tim do đâu?

- Do hệ thần kinh giao cảm. Do máu đổ về tim nhiều hơn. Do bệnh cường giáp. Do một bộ phận nào trên cơ thể có nhu cầu về máu/oxy tăng cao…

Việc đào sâu vấn đề để tìm nguyên nhân gây bệnh đã khó khăn rồi còn cộng thêm một khó khăn nưa là nguyên nhân đó là do một yếu tố hay kết hợp nhiều yếu tố kết hợp và yếu tố nào là yếu tố chính, yếu tố nào là yếu tố phụ.

Chính vì vậy, trên thực tế lâm sàng với nhiều case sẽ không cần phải tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì nhưng vẫn có phác đồ điều trị.

Và qua việc tìm hiểu nguyên nhân gây tăng huyết áp chúng ta cũng sẽ trả lời được rằng tại sao lại có nhiều thuốc thuộc nhóm điều trị tăng huyết áp đến vậy và trong một đơn thuốc có thể kết hợp không chỉ 2 thậm trí 3, 4, 5 loại thuốc có ảnh hưởng đến huyết áp.

3. Chẩn đoán và phân loại tăng huyết áp

3.1 Chẩn đoán tăng huyết áp

Cũng giống với bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp cũng sẽ có những tiến triển thầm lặng, và cơ thể cũng sẽ thích nghi dần với sự tăng lên đó. Một số triệu chứng có thể gặp như chóng mặt, đau đầu, nóng mặt, mệt…

Tuy nhiên những triệu chứng trên thì rất dễ để dược sĩ tại nhà thuốc chẩn đoán sang các bệnh lý thường gặp khác như thiểu năng tuần hoàn máu não, cơ thể suy nhược, tiền đình,... dẫn đến việc cắt các thuốc giảm đau kết hợp hoạt huyết và thuốc bổ…mà không kịp thời cảnh báo cho bệnh nhân biết để có một sự thăm khám kỹ lưỡng hơn.

Để chẩn đoán tăng huyết áp cần phải dựa vào số đo huyết áp của bệnh nhân. Do huyết áp có đặc tính biến thiên tự nhiên rất nhiều nên để tiến hành đo cần thực hiện theo các yêu cầu sau để giảm thiểu tối đa sai số nhất có thể.

Nguyên tắc đo huyết áp

  • Để bệnh nhân ngồi nghỉ khoảng 15 phút trước khi tiến hành đo.
  • Không sử dụng các chất kích thích như cafe, thuốc lá,... trước khi đo.
  • Đo huyết áp ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 5 phút, nếu chênh nhau > 5 mmHg thì đó lần thứ 3 và lấy giá trị trung bình.
  • Đo huyết áp cả 2 tay khi nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh mạch ngoại vi (mạch 2 tay không đều nhau). Chênh lệch khi huyết áp tối đa >20 mmHg, huyết áp tối thiểu > 10 mmHg.
  • Bệnh nhân nên được ngồi/nằm thoải mái nhất để đo và đặt bao cuốn kế ngang mức tim dù ở tư thế nào.
  • Nên đo thêm huyết áp ở tư thế đứng đối với bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân đái tháo đường.
  • Nếu mới bắt đầ do hãy đo cả 2 tay và sau này sẽ đo theo tay có huyết áp cao hơn.
Câu hỏi: Có nhiều người thắc mắc khi sử dụng máy đo huyết áp điện tử tại nhà khi đó 2 lần liên tiếp nhau đã cho ra 2 kết quả hoàn toàn khác nhau. Có phải máy bị lỗi?
Trả lời: Dược sĩ nhà thuốc cần giải đáp được cho bệnh nhân biết rằng việc sử dụng máy điện tử để đo sẽ cho kết quả rất nhạy tại thời điểm đo được. Mà huyết áp thì có tính biến thiên rất cao, đôi khi những thay đổi nhỏ về tâm lý hoặc không thực hiện đúng các yêu cầu đo kể trên thì việc đo hai lần cho ra 2 kết quả khác nhau là điều bình thường. Đó cũng là lý do tại sao trong bệnh viện các bác sĩ vẫn sử dụng máy cơ kết hợp với ống nghe để đo huyết áp thay vì sử dụng máy điện tử vì nó có tính ổn định hơn. Giống như việc sử dụng nhiệt kế thủy ngân thay cho nhiệt kế điện tử bắn trán vậy.

3.2 Phân độ tăng huyết áp

Bảng phân độ tăng huyết áp

Phân độ huyết áp

Huyết áp tâm thu (mmHg)

 

Huyết áp tâm trương (mmHg)

Huyết áp tối ưu

<120

<80

Huyết áp bình thường

120 - 129

80 - 84

Tiền tăng huyết áp

130 - 139

Và/Hoặc

85 - 89

Tăng huyết áp độ 1

140 - 159

Và/Hoặc

90 - 99

Tăng huyết áp độ 2

160 - 179

Và/Hoặc

100 - 109

Tăng huyết áp độ 3

≥180

Và/Hoặc

≥110

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

≥140

<90

Lưu ý: Nếu huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương không cùng mức phân độ thì chọn huyết áp ở mức cao hơn để xếp loại.

4. Tác hại của bệnh tăng huyết áp

Tại sao tăng huyết áp được gọi là kẻ giết người thầm lặng. Đó là vì bệnh thì tiến triển âm thầm nhưng những biến chứng của nó gây ra đến các cơ quan đích thực sự rất nghiêm trọng.

Tim

  • Phì đại thất trái.
  • Suy tim
  • Thiếu máu cơ tim/nhồi máu cơ tim.
  • Rối loạn nhịp tim.

Não

  • Đột quỵ (nhồi máu não hoặc xuất huyết não): Tăng huyết áp làm vỡ mạch máu não hoặc hình thành cục máu đông.
  • Sa sút trí tuệ: Tổn thương vi mạch não lâu ngày gây giảm nhận thức.

Thận

  • Suy thận mạn: Do tăng huyết áp làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận → giảm chức năng lọc.
  • Protein niệu: Một trong những dấu hiệu sớm của tổn thương thận.

Mắt

  • Bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp.
  • Co thắt động mạch võng mạc.
  • Xuất huyết, phù gai thị.
  • Có thể dẫn đến giảm thị lực hoặc mù nếu không được điều trị sớm.

Động mạch lớn

Xơ vữa động mạch: Tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phình tách động mạch chủ.

5. Điều trị tăng huyết áp

5.1 Nguyên tắc điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng đúng thuốc, đúng liều. Thay đổi thuốc, đổi liều nếu cần.

Mục tiêu điều trị là đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”. Huyết áp mục tiêu của mỗi cá nhân bệnh nhân là khác nhau dựa trên tuổi tác, bệnh lý nền mắc kèm…

Khi đã đạt huyết áp mục tiêu, cần duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời.

Điều trị cần hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích. Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng tại cơ quan đích,

Giáo dục bệnh nhân để đảm bảo tuân thủ điều trị. Nhấn mạnh các yếu tố sau:

  • Điều trị tăng huyết áp là một điều trị suốt đời.
  • Triệu chứng của tăng huyết áp không phải lúc nào cũng gặp và không tương xứng với mức độ nặng nhẹ của bệnh.
  • Chỉ có thay đổi tích cực lối sống kèm theo tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị thích hợp mới giảm được đáng kể các tai biến do tăng huyết áp.
  • Huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác luôn tiến triển theo tuổi, vì thế theo dõi đều đặn định kỳ (hàng tháng, hàng quý, hàng năm) số đo huyết áp và đánh giá các yếu tố nguy cơ kèm theo là hết sức cần thiết để điều chỉnh lối sống và chế độ điều trị kịp thời.
Câu hỏi: Không ít bệnh nhân vì lo sợ tác dụng phụ của thuốc nên khi huyết áp đã giảm và họ cũng không gặp triệu chứng gì thì đã tự ý dừng thuốc. Là dược sĩ bạn cần tư vấn điều gì?
Trả lời: Đầu tiên cần đồng cảm với bệnh nhân, vì chính xác các thuốc điều trị huyết áp có những ảnh hưởng không tốt lên gan, thận của bệnh nhân. Tuy nhiên điều đó có thể xử lý phần nào bằng việc uống kèm các thuốc/TPCN bổ gan. Việc tự ý dừng thuốc huyết áp rất nguy hiểm. Vì nếu hiểu rõ cơ chế dược lý của các thuốc thì sẽ biết rằng đó chỉ là đang làm cắt đứt các râu ria gây tăng huyết áp, còn 90-95% là không xác định được nguyên nhân. Do vậy nếu tự ý dừng thuốc sẽ làm làm huyết áp tăng cao trở lại và nguy cơ các biến chứng nguy hiểm sẽ xảy ra.

5.2 Điều trị bằng thuốc

Thực hiện theo phác đồ của bác sĩ.

Ôn tập lại học phần dược lý - bài thuốc huyết áp để hiểu về cơ chế cũng như các tác dụng phụ của thuốc tư vấn cho bệnh nhân nhận biết các ADR cần thiết để thông tin lại bác sĩ đổi thuốc nếu cần.

5.3 Các biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc

  • Chế độ ăn uống
  • Đảm bảo Kali và các yếu tố vi lượng.
  • Giảm ăn mặn (< 6 gam muối/ngày).
  • Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi.
  • Hạn chế rượu bia
  • Hạn chế thức ăn có nhiều Cholesterol và acid béo no.
  • Tích cực giảm cân (nếu bị thừa cân), nên duy trì BMI trong khoảng 18,5 - 22,9.
  • Giữ vòng bụng < 90cm đối với nam và < 80cm đối với nữ.
  • Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức vừa phải, đều đặn  30-60 phút/ngày.
  • Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; nghỉ ngơi thư giãn hợp lý.
  • Tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột.
Mục Lục