Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Mỡ Máu

Bệnh mỡ máu hay rối loạn lipid máu là một bệnh rối loạn chuyển hóa được thể hiện bởi những bất thường của các chỉ số lipid trong máu.

1. Tổng quan về bệnh mỡ máu

Các chỉ số để xét nghiệm làm tiêu chuẩn đánh giá mỡ máu:

  • Cholesterol toàn phần cao.
  • LDL (cholesterol xấu) cao.
  • HDL (cholesterol tốt) thấp.
  • Triglycerid cao.
Câu hỏi: Tại sao LDL thì gọi là Cholesterol xấu còn HDL lại gọi là Cholesterol tốt.
Trả lời: LDL hay HDL có vai trò là vận chuyển Cholesterol.
 
Với LDL sẽ là vận chuyển cholesterol từ gan đến các mô trong cơ thể. Khi quá nhiều LDL trong máu, cholesterol dư thừa có thể tích tụ trong thành động mạch, hình thành các mảng bám, gây hậu quả hẹp mạch máu → giảm lưu lượng máu → tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
 
Với HDL có công dụng là thu gom cholesterol thừa từ các mô và động mạch, đưa ngược về gan để xử lý và loại bỏ. Nhờ đó giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, làm sạch lòng mạch.

2. Cholesterol được tạo ra từ đâu

Cholesterol trong cơ thể có thể đến từ nội sinh hoặc ngoại sinh.

Cholesterol nội sinh

Do cơ thể tự sản xuất (khoảng 75%).

Gan là cơ quan và cũng là “nhà máy” chính để sản xuất cholesterol.

Quá trình tổng hợp Cholesterol ở gan

* Giai đoạn 1: Tạo Mevalonate

  • 2 phân tử Acetyl-CoA kết hợp → Acetoacetyl-CoA.
  • Acetoacetyl-CoA + 1 Acetyl-CoA → HMG-CoA.
  • HMG-CoA được khử → Mevalonate (quá trình này cần enzym HMG-CoA reductase).

* Giai đoạn 2: Tạo Isoprenoid

  • Mevalonate → Isopentenyl pyrophosphate (IPP).
  • IPP → GPP → FPP.

* Giai đoạn 3: Tổng hợp Cholesterol

  • 2 phân tử FPP kết hợp → Squalene.
  • Squalene → Lanosterol.
  • Lanosterol → Cholesterol hoàn chỉnh.

Và nhóm thuốc chính để điều trị mỡ máu là Statin sẽ tác động vào giai đoạn 1, ức chế enzym HMG-CoA reductase.

Cholesterol ngoại sinh

Từ thực phẩm ăn vào (Khoảng 25%). Các bạn dược sĩ có thể tra cứu thêm cá thực phẩm chứa nhiều Cholesterol để tư vấn cho bệnh nhân.

Câu hỏi: Tại sao Cholesterol nội sinh là nguồn chính để tạo ra Cholesterol máu chiếm 75%, trong khi Cholesterol ngoại sinh từ thức ăn chỉ chiếm 25%. Nhưng chúng ta vẫn được nghe rất nhiều tư vấn về chế độ ăn uống khoa học giảm các thực phẩm chứa nhiều Cholesterol. Lý do tại sao?
Trả lời: Thứ nhất khi Cholesterol trong máu đã tăng cao rồi thì hạn chế bổ sung từ ngoài vào sẽ góp phần nào đó không làm tăng thêm nữa. Thứ hai (lý do nhiều người ít biết) đó là các chất béo bão hòa và Trans fat từ thực phẩm gây kích thích hoạt động của enzym HMG-CoA reductase, điều này làm tăng tổng hợp Cholesterol nội sinh hơn. Ngoài ra chất béo bão hòa và Trans fat làm giảm số lượng hoặc giảm hoạt động của các thụ thể LDL receptor ở gan, do vậy giảm thu gom LDL. Hệ quả là LDL không được thu hồi → tích tụ trong máu → cholesterol tăng cao.

3.Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mỡ máu

Mỡ máu cũng thuộc nhóm bệnh muốn chẩn đoán thì cần dựa trên các chỉ số xét nghiệm chứ không dựa trên triệu chứng lâm sàng

Các tiêu chuẩn để chẩn đoán mỡ máu bao gồm:

  • Cholesterol toàn phần ≥ 5.2 mmol/L (≥ 200 mg/dL).
  • LDL-C ≥ 3.4 mmol/L (≥ 130 mg/dL).
  • HDL-C thấp <1 mmol/L (nam), <1.3mmol/L (nữ).
  • Triglyceride ≥ 1.7 mmol/L (≥ 150 mg/dL).

Chỉ cần đáp ứng 1 trong 4 tiêu chí trên là có thể chẩn đoán là rối loạn lipid máu.

Triệu chứng của bệnh mỡ máu thì gần như là không có triệu chứng biểu hiện gì của bệnh ở giai đoạn đầu. Bệnh chỉ phát hiện ra khi có biến chứng hoặc một lý do nào đó bệnh nhân cần đến viện và sau khi làm các xét nghiệm thì phát hiện ra.

4. Điều trị bệnh mỡ máu

Mỡ máu cũng thuộc nhóm bệnh mà điều trị cần tuân theo y lệnh của bác sĩ.

Vai trò của dược sĩ tại nhà thuốc cần hiểu rõ tác dụng phụ của thuốc, thời điểm dùng thuốc, tương tác thuốc… để tư vấn cho bệnh nhân.

Vậy nên, chúng ta sẽ không đi sâu phần này mà nên ôn tập lại học phần dược lý - thuốc mỡ máu.

5. Biến chứng của bệnh mỡ máu

Nhồi máu cơ tim

Khi LDL - C cao → tạo mãng xơ vữa bám trong thành động mạch vành → hẹp hoặc tắc mạch máu nuôi tim.

Nếu mảng xơ vữa bị vỡ → hình thành cục máu đông → tắc nghẽn mạch vành → nhồi máu cơ tim cấp, có thể tử vong.

Đột quỵ

Cơ chế cũng tương tự như nhồi máu cơ tim nhưng xảy ra với các mạch máu não.

Tăng huyết áp

Xơ vữa làm giảm tính đàn hồi của mạch máu, máu lưu thông khó hơn → huyết áp tăng.

Bệnh về Gan

Gan nhiễm mỡ - viêm gan - xơ gan.

Triglyceride cao → gan tích tụ mỡ → gan nhiễm mỡ.

Lâu dài gây viêm gan do mỡ rồi dẫn đến xơ gan.

Viêm tụy cấp do Triglycerid tăng cao

Câu hỏi: Tại sao Triglycerid tăng cao gây viêm tụy cấp.
Trả lời: Khi nồng độ Triglyceride > 11.3 mmol/L → máu “đục như sữa”, tình trạng này gọi là lipemic serum (máu có quá nhiều hạt mỡ - Chylomicron). Chylomicron làm nghẽn mao mạch tụy → thiếu máu cục bộ tại tụy. Các enzyme trong tụy (lipase) phân giải Triglyceride thành acid béo tự do (FFA). FFA gây độc trực tiếp cho tế bào tụy gây viêm, hoại tử mô tụy. Viêm tụy cấp cần điều trị cấp cứu.



Mục Lục