Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Tiểu Đường

Tiểu đường là trong những bệnh lý mạn tính, vì vậy sẽ không có mục tiêu điều trị khỏi bệnh mà mục tiêu hướng đến trong điều trị là kiểm soát và đưa đường huyết về mức mục tiêu kèm với giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mạn tính  được xác định sau khi làm các xét nghiệm tại các cơ sở chuyên khoa chứ không dựa trên biểu hiện bên ngoài.

Mỗi năm trên thế giới số người chết vì căn bệnh này còn nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông. Và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý về tim mạch (nhóm bệnh đứng đầu về tỷ lệ người chết).

Tiểu đường đã và đang là gánh nặng lớn về chi phí điều trị cho bản thân gia đình bệnh nhân và xã hội bởi rất nhiều biến chứng mà nó gây ra. Và làm giảm chất lượng sống của người mắc.

Một câu hỏi lớn đối với bệnh này là người bị bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không? 

Hiện nay, y học vẫn chưa điều trị khỏi hoàn toàn được mà chỉ dừng lại ở mục tiêu là kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên có không ít những quảng cáo cam kết là chữa khỏi hoàn toàn khiến bệnh nhân tin dùng để rồi nhận lại những hậu quả đáng tiếc.

Với vai trò là một nhân viên của ngành y tế và cũng là người có cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, dược sĩ nhà thuốc hãy tìm hiểu xem lý do tại sao bệnh này không thể điều trị khỏi hoàn toàn được và cần tư vấn những gì cho bệnh nhân để bệnh nhân yên tâm sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

2. Phân loại bệnh tiểu đường và nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Chúng ta nên nhớ trong cơ thể chỉ có một Hormon duy nhất giúp làm giảm nồng độ Glucose trong máu đó là Insulin. Vì vậy, việc phân loại và hướng tới phác đồ điều trị cũng sẽ bám vào Insulin làm từ khóa.

Tiểu đường tuýp 1: Cơ thể bị giảm khả năng sản xuất Insulin gây thiếu hụt Insulin.

Tiểu đường tuýp 2: Cơ thể vẫn còn khả năng sản xuất Insulin nhưng giảm đáp ứng, còn gọi là kháng Insulin.

Ngoài ra còn có tiểu đường thai kỳ. Nhưng đây là tình trạng có thể hết sau khi đẻ và với trường hợp này nếu phải dùng thuốc thì là điều trị bắt buộc với Insulin rồi và đây cũng thuộc đối tượng sử dụng thuốc đặc biệt nên sẽ không đi sâu (tham khảo học phần “Đối tượng đặc biệt”).

Lưu ý: Phân ra thành tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 ban đầu có thể rõ ràng, nhưng theo thời gian sẽ mất dần đi sự rõ ràng đó. Nghĩa là người đái tháo đường tuýp 2 ban đầu thi

2.1 Tiểu đường tuýp 1

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì?

Trong bệnh tiểu đường tuýp 1, tế bào beta của đảo tụy bị phá hủy gần như hoàn toàn dẫn đến việc không bài tiết đủ Insulin. Dẫn đến nồng độ Glucose máu bị cao.

Vậy nguyên nhân nào khiến tế bào beta của tụy bị phá hủy.

Điều này có liên quan đến quá trình tự miễn dịch của cơ thể, nghĩa là cơ thể tự tấn công cơ thể mình và cụ thể ở đây là tụy.

Ở những người có hệ gen nhạy cảm (có kháng nguyên HLA-DR3 và HLA-DR4) dưới nhiều tác động khác nhau sẽ gây hoạt hóa quá trình miễn dịch tấn công vào các đảo tụy. Có sự thâm nhiễm các tế bào viêm như các bạch cầu đơn nhân, các đại thực bào và tế bào Lympho T độc hoạt hóa vào trong đảo tụy. Quá trình thâm nhiễm này gọi là viêm đảo tụy.

Nhiều tự kháng thể kháng tế bào beta tụy lưu hành trong máu người bệnh và quá trình phá hủy này diễn ra trong vài năm thậm chí nhanh hơn chỉ trong vài tháng.

Bệnh tiến triển âm thầm nên khi có các triệu chwusng lâm sàng thì hầu hết tế bào beta của tiểu đảo Langerhans đã bị hủy hoại. Khả năng tiết Insulin gần như rất thấp.

Những yếu tố đóng vai trò khởi phát: Virus (Coxsackie B, Cytomegalovirus, Echo…), thức ăn, điều kiện sống (stress, tiếp xúc ờng xuyên với chất độc…).

2.2 Tiểu đường tuýp 2

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?

Có 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng gây bệnh là kháng Insulin và rối loạn tiết Insulin kết hợp với nhau.

Câu hỏi: Kháng Insulin nghĩa là gì?
Trả lời: Là giảm đáp ứng của Insulin trong việc sử dụng Glucose do giảm số lượng receptor insulin ở tế bào hoặc giảm khả năng liên kết của Insulin với receptor.
Câu hỏi: Rối loạn tiết Insulin là gì?
Trả lời: Là tình trạng Insulin giảm hoặc tăng tiết bất thường.
  • Giảm tiết Insulin: Xảy ra khi tuyến tụy sản xuất không đủ Insulin, gặp trong tiểu đường tuýp 1 và giai đoạn muộn của tiểu đường tuýp 2.
  • Tăng tiết Insulin: Tuyến tụy tiết quá nhiều Insulin, có thể do việc kháng Insulin nên các tế bào không dung nạp được glucose nên gửi lại một tín hiệu là “tôi đang đói”, cơ thể nghe thấy tín hiệu đó sẽ phản hồi bằng cách yêu cầu tụy tiết Insulin nhiều hơn để tăng đưa glucose vào tế bào nhiều hơn. Nhưng bản chất vấn đề đang nằm ở chỗ tế bào không dung nạp được glucose.

Nguyên nhân chính xác gây ra tiểu đường tuýp 2 thường không xác định được. Vì nó có liên quan đến rất nhiều yếu tố. Nên bệnh tiểu đường vừa được xếp vào nhóm bệnh nội tiết (cùng với các bệnh khác như bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến thượng thận…) và cũng được xếp vào nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.

Các tố được xem là nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate nhưng ít vận động dẫn đến béo phì.
  • Tuổi tác: Nguy cơ tăng sau 40 tuổi.
  • Bệnh mắc kèm: Mỡ máu, tim mạch…

2.3 So sánh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2

Giữa tiểu đường tuýp 1 và giai đoạn đầu của tuýp 2 sẽ có nhiều sự khác biệt rõ ràng hơn

 

Đặc điểm

Tiểu đường tuýp 1

Tiểu đường tuýp 2

Thiếu hụt Insulin

Tuyệt đối

Tương đối hay một phần

Kháng Insulin

Không

Có thể có

Tổn thương đảo tụy

Nghiêm trọng

Nhẹ/Trung bình

Tuổi khởi phát

dưới 30 tuổi

trên 40 tuổi

Thể trạng

Gầy

Béo phì hoặc bình thường

Insulin máu

Thấp hoặc không đo được

Thường có hoặc cao

Kết hợp với HLA đặc hiệu

Không

Tiền sử gia đình

Không

Thường có

Triệu chứng

Khởi phát đột ngột.

Hội chứng tăng đường huyết (Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều)

Ceton niệu (+)

Tiến triển và khởi phát âm thầm, không bộc lộ các triệu chứng lâm sàng.


Ceton niệu (-)

Biến chứng cấp tính

Nhiễm toan ceton

Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu

Câu hỏi: Tại sao người tiểu đường tuýp 2 giai đoạn muộn thì các triệu chứng sẽ mờ dần sự phân biệt với tiểu đường tuýp 1.
Trả lời: Đối với tiểu đường tuýp 2 giai đoạn đầu thì tụy vẫn tiết Insulin bình thường, nhưng cơ thể lại kháng Insulin. Như vậy tế bào sẽ không sử dụng được glucose trong máu, mà glucose lại là nguyên liệu chính cung cấp năng lượng cho các tế bào. (Xem lại học phần giải phẫu chương nội tiết để rõ hơn) Khi đó sẽ có tín hiệu thông báo đến tụy tăng tiết Insulin nhiều hơn, tụy phải làm việc vất vả hơn. Lâu dần tụy sẽ suy yếu và giảm dần khả năng tiết Insulin.
Hình dung giống như việc ai đó ngồi trước một bàn đầy thức ăn nhưng lại không có tay để gắp, khiến cho bản thân rất đói. Khi người đó đói thì miệng chỉ nói là “Tôi đang đói”, phía nhà bếp nhận thông tin và sẽ làm việc năng suất hơn để nấu thêm thật nhiều thức ăn chứ không quan tâm đến việc nguyên nhân đói là không có tay để gắp thức ăn. Kết quả là thức ăn thì dư thừa và nhà bếp thì mệt, nhưng người đó vẫn kêu đói, nhà bếp cũng mệt rồi và không nấu được nhiều nữa.

Chính vì vậy xét nghiệm chỉ số đường trong máu không giúp xác định là tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2. Muốn phân biệt thì cần phải làm xét nghiệm tìm kháng thể tự miễn tại tụy.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường

3.1 Dấu hiệu lâm sàng

Dấu hiệu nhận biết bệnh phụ thuộc vào mức độ thiếu Insulin, cho nên ở giai đoạn đầu sẽ thường không rõ ràng.

Đối với tuyp 1 thì các triệu chứng sẽ xuất hiện rầm rộ hơn còn tuýp 2 đa phần sẽ là phát hiện tình cờ sau khi đi khám hoặc nhập viện do một biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường.

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường.

  • Mệt mỏi, gầy sút kéo dài trong nhiều tháng. Lý do là các tế bào không sử dụng được glucose để tạo năng lượng nên sẽ phải chuyển hóa lipid và protid.
  • Đái nhiều và khát nhiều. Lý do là do nồng độ đường trong máu cao làm tăng áp lực thẩm thấu → giảm tái hấp thu nước mà tăng lượng nước tiểu.
  • Da hay bị ngứa và dễ bị nhiễm trùng, lâu liền vết thương.
  • Giảm thị lực.
  • Chuột rút vào ban đêm, tê bì chân tay.

Nổi bật nhất của người mắc bệnh tiểu đường đó là 4 nhiều: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, sụt cân nhiều.

Câu hỏi: Có kiến bu nước tiểu có phải bị tiểu đường không?
Trả lời: “Tiểu đường” có nghĩa là nước tiểu có đường, mà kiến thì sẽ bu vào đồ ngọt. Cho nên suy nghĩ để hình thành nên câu hỏi này là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc xét nghiệm chỉ số đường trong nước tiểu không có giá trị kết luận là mắc bệnh tiểu đường. Lý do bởi vì việc có “đường niệu” chứng tỏ thận đang có vấn đề trong việc tái hấp thu đường. Có thể vấn đề nằm ở thận chứ không phải bệnh tiểu đường.

3.2 Các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường

  • Đường huyết: Có giá trị nhất.
  • Đường niệu: Không có giá trị chẩn đoán bệnh.
  • HbA1c: Đánh giá tình trạng đường huyết trong 3 tháng gần đây.
  • Peptid-C Đánh giá chức năng tế bào beta tụy.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường

Đáp ứng 1 trong 4 tiêu chí sau

  • Đường huyết bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l kèm theo các triệu chứng của tăng đường huyết (khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, gầy sút).
  • Đường huyết lúc đói (nhịn ăn > 8 giờ) ≥ 7 mmol/l trong 2 buổi khác nhau.
  • Đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose ≥ 11,1 mmol/l.
  • HbA1c (định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng) ≥ 6,5%.

Điều kiện thực hiện xét nghiệm đường huyết khi đói.

  • Nhịn đói ít nhất 8 giờ: 6 giờ tối đến 7 giờ sáng.
  • 3 ngày trước khi làm xét nghiệm: Khẩu phần ăn giàu Carbohydrate (150g - 200g/ngày).
  • Không tiến hành xét nghiệm làm chẩn đoán nếu đang uống các thuốc Corticoid, thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu thiazid,... vì sẽ cho kết quả sai.

4. Biến chứng bệnh tiểu đường

Đây là phần trọng tâm của bài học này. Vì sao? Vì đây mới là vấn đề gây ra những cái chết cho bệnh nhân. Theo báo cáo năm 2021 thì cứ 5 giây sẽ có 1 người chết do biến chứng tiểu đường.

4.1 Biến chứng cấp tính

Nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường typ 1 do thiếu hụt Insulin tuyệt đối gây tăng đường huyết, tăng phân hủy lipid, tăng sinh thể ceton máu dẫn đến toan hóa máu, rối loạn điện giải trong và ngoài tế bào. Biểu hiện bằng rối loạn nhịp thở kiểu Kussmal, hơi thở có mùi ceton, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh.

Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu

Biến chứng này xảy ra ở tiểu đường tuýp 2, nữ, trên 60 tuổi. Đường huyết tăng cao, mất nước nặng, huyết áp tụt và hôn mê.

Phân biệt với nhiễm toan ceton là không có nhịp thở kiểu Kussmal và hơi thở không có mùi ceton.

Hạ đường huyết

Thường gặp với bệnh nhân dùng thuốc tiểu đường quá liều. Dấu hiệu chính là vã mồ hôi, choáng váng, hoa mắt, lơ mơ, co giật hoặc hôn mê. Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể mất thăng bằng, ngã sẽ rất nguy hiểm nếu có va đập phần đầu.

Vì vậy, cần tư vấn bệnh nhân sau khi uống thuốc tiểu đường mà đã được báo cáo ADR là gây hạ đường huyết nên ngồi nghỉ một chút để xem phản ứng của cơ thể.

4.2 Biến chứng mạn tính

Biến chứng mạch máu lớn

  • Bệnh mạch vành: Xơ vữa động mạch xuất hiện sớm, tiến triển nhanh và trầm trong ở bệnh nhân tiểu đường. Cùng với sự dày lên của thành mạch, sự xuất hiện của huyết khối trong lòng mạch sẽ ngăn cản sự lưu thông của máu đến tim và gây sức ép cho tim. Từ đó có thể dẫn tới cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc thậm chí chết đột tử.
  • Tăng huyết áp: Huyết áp cao vừa là yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường do làm tăng tình trạng kháng Insulin ở tổ chức vừa là hậu quả của tiểu đường, góp phần làm tăng các biến chứng tim mạch (bệnh mạch vành, đột quỵ…), đồng thời đẩy nhanh quá trình tạo ra các biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh lý thận, võng mạc…).
  • Rối loạn lipid máu: Rất ờng gặp ở người mắc tiểu đường, đặc biệt là tuýp 2, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và các biến chứng mạch máu lớn khác. Hay gặp tăng Triglycerid, Cholesterol toàn phần, tăng VLDL-C và giảm HDL - C.

Biến chứng mạch máu nhỏ

Mắt - Thận - Thần kinh là 3 cơ quan đích bị tổn thương do tiểu đường.

Bệnh lý võng mạc: Các vi mạch tại mắt bị tổn thương do tiếp xúc đường máu cao và áp lực thành mạch lớn, từ đó gây ra 2 dạng bệnh về mắt: Bệnh võng mạc đái tháo đường và đục thủy tinh thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến giảm thị lực và mù ở người tiểu đường.

Bệnh lý thận: Chủ yếu là dày màng đáy mao mạch cầu thận gây xơ tiểu cầu thận, dẫn tới giảm mức lọc cầu thận và cuối cùng là suy thận.

Bệnh lý thần kinh: Thường do tắc nghẽn các vi mạch cung cấp máu cho hệ thống thần kinh dẫn đến những thương tổn sau:

  • Tổn thương dây thần kinh ngoại biên: Viêm đa dây thần kinh hoặc viêm một dây thần kinh.
  • Liệt dây thần kinh sọ não: Dây III, IV, VI, VII.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: Hạ huyết áp tư thế, nhịp tim nhanh khi nghỉ.

Biến chứng khác

Nhiễm trùng

Bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn và khi bị tường rất nặng. Ví dụ như hệ thần kinh cảm giác ở da bị tổn thương không cảm nhận được vết xước, kèm theo các mạch máu bị xơ vữa dẫn đến việc giảm chức năng vận chuyển các yếu tố bảo vệ (Bạch cầu, đại thực bào) và yếu tố sửa chữa.

Bệnh lý bàn chân

Loét ở bàn chân và cẳng chân rất lâu hồi phục. Ban đầu có thể chỉ là vết xước nhỏ thôi  nhưng có thể tiến triển thành ổ loét nghiêm trọng, có thể phải cắt cụt chi. 

Tổn thương khớp

Khô và cứng khớp gây hạn chế vận động.

5. Điều trị bệnh tiểu đường

5.1 Mục tiêu điều trị

Mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường không phải là hướng đến bệnh nhân khỏi hoàn toàn mà hướng đến 2 mục tiêu:

  • Kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu và bền vững nhưng không gây hạ đường huyết.
  • Điều trị và ngăn ngừa các biến chứng, đặc biệt là các yếu tố nguy cơ tim mạch - các thành phần của hội chứng chuyển hóa.
Câu hỏi: Mức đường huyết mục tiêu nghĩa là gì?
Trả lời: Mức đường huyết mục tiêu không phải là mức đường huyết của người bình thường không mắc bệnh. Vì như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, đối với tiểu đường tuýp 2 bệnh sẽ diễn biến thầm lặng, khi phát hiện là nhờ một biến chứng nào đó. Như vậy có nghĩa là cơ thể đã dần thích nghi với việc đường huyết máu cao. Không thể đột ngột giảm mạnh ngay lập tức để tránh biến chứng hạ đường huyết. Mức mục tiêu sẽ thay đổi giảm dần dần dựa trên tuổi tác, bệnh lý khác mắc kèm…Và quan trọng nữa là sự đáp ứng của cơ thể với thuốc.

Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo y lệnh của bác sĩ. Nhiệm vụ của dược sĩ tại nhà thuốc sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc sao cho hiệu quả và tư vấn các biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc.

Hiểu rõ về cơ chế tác dụng, tác dụng phụ của từng loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường thì tham khảo học phần dược lý  - Thuốc tiểu đường.

5.2 Những biện pháp không dùng thuốc nào cần tư vấn cho bệnh nhân tiểu đường?

Chế độ ăn uống

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
  • Lựa chọn các thức ăn ít calo, khẩu phần ăn cân đối (50-60% glucid, 30-35% lipid, 10% protid) và đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng.
  • Đối với người béo phì, cần thiết chế độ ăn cho người giảm cân một cách khoa học (Chú trọng việc giảm mỡ chứ không phải là giảm cân nhờ tăng đào thải nước).

Vận động thể lực

  • Luyện tập thể dục rất quan trọng và cần thiết với bệnh nhân tiểu đường. Vì tập luyện giúp giảm cân, giảm kháng Insulin, cải thiện sự dung nạp glucose.
  • Tuy nhiên cần lưu ý chọn bài tập phù hợp, không nên lựa chọn bài tập phải gắng sức để tránh nguy cơ biến chứng hạ đường huyết.

Sử dụng thực phẩm chức năng để hỗ trợ

  • Đối với trường hợp các bệnh mạn tính nói chung và bệnh tiểu đường nói riêng thì thực phẩm chức năng lại giữ vai trò khá quan trọng.
  • Các thực phẩm chức năng dạng viên uống, trà uống sử dụng hàng ngày kết hợp với thuốc sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn và giảm nguy cơ gặp biến chứng tiểu đường. Ngoài ra có một ưu điểm nữa là thực phẩm chức năng có nguồn gốc dược liệu thường không có tác dụng phụ hay lưu ý đặc biệt đối với người sử dụng
  • Nội dung này sẽ được nói kỹ hơn ở học phần thực phẩm chức năng liên quan đến bệnh tiểu đường.
Mục Lục