Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Tiêu Chảy

Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài nhiều lần trong ngày, sự tống phân nhanh và phân nhiều nước. Không khó để nhận định bệnh nhưng khó ở chẩn đoán nguyên nhân và đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh

1 Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

1.1 Tiêu chảy cấp

Nhiễm vi khuẩn

Vi khuẩn xâm nhập vào tế bào niêm mạc ruột phát triển ở trong đó, gây tổn thương tại chỗ làm tăng bài tiết và giảm khả năng hấp thu: Shigella, Salmonella, E.coli thể xâm nhập.

Vi khuẩn không xâm nhập vào tế bào niêm mạc ruột, phát triển trên bề mặt niêm mạc, tiết nội độc tố kích thích ruột tăng bài tiết: Vibrio cholerae, S.aureus, E.coli.

Nhiễm virus

Virus thường gặp gây tiêu chảy cấp Rotavirus và Norwalkvirus.

Ký sinh trùng

Hay gặp nhất là amip và Giardia lamblia.

Nguyên nhân khác

  • Nhiễm độc: Kim loại nặng (chì, thuỷ ngân, asen…), độc tố từ thực phẩm (nấm độc), thức ăn chứa thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất độc sinh ra từ thực phẩm bảo quản kém.
  • Do dùng thuốc: Thuốc nhuận tràng, thuốc kháng sinh đường ruột phổ rộng, Colchicin.

1.2 Tiêu chảy mạn

Tổn thương thực thể đặc hiệu ở đường thành ruột

  • Khối u đại tràng, khối u Lympho ruột non: Không bài tiết nội tiết tố ở ruột.
  • Viêm đặc hiệu: Lao ruột, lao hồi manh tràng, bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Amip, G.lamblia.

Tổn thương ở ruột gây rối loạn quá trình tiêu hoá và hấp thu

  • Cắt đoạn dạ dày, cắt đoạn ruột non, viêm tuỵ, tắc mật.
  • Bẩm sinh: Thiếu men tiêu hoá một thức ăn nào đó, phổ biến nhất là lactose.
  • Tổn thương sau tế bào niêm mạc hoặc tổn thương hạ niêm mạc.
Lưu ý: Một câu hỏi nên đưa vào để khai thác thêm thông tin với trường hợp tiêu chảy ở trẻ nhỏ là có vừa đổi loại sữa bé đang uống không. Sữa chứa Lactose có thể gây nên tình trạng tiêu chảy ở những người thiếu men Lactase do không phân huỷ được lactose thành các dạng đường dễ hấp thu hơn. Có thể tư vấn cho bệnh nhân ngưng sữa đang uống để điều trị, sau đó cho uống lại để kiểm tra.

Bệnh ở cơ quan khác

  • Suy dinh dưỡng, nhiễm độc giáp, suy thượng thận, toan máu, ure máu cao,...
  • Do rối loạn hoạt động thần kinh (xúc cảm, sợ hãi, mệt mỏi…)

Loạn khuẩn ruột

Sử dụng kháng sinh kéo dài.

2. Triệu chứng của bệnh tiêu chảy

2.1 Tiêu chảy cấp

Tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước. Tăng số lần đi ngoài trong ngày, thường trên 3 lần/ngày. Tình trạng kéo dài dưới 14 ngày.

Triệu chứng chính

  • Đi ngoài phân lỏng, nhiều nước.
  • Số lần đi ngoài tăng và không cầm được (tuỳ theo nguyên nhân có thể  từ 3 - trên 10 lần)
  • Đau bụng quặn, mót rặn.
  • Buồn nôn, nôn.

* Toàn thể

  • Sốt (là dấu hiệu của nhiễm trùng).
  • Mất nước.
  • Mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt.
  • Nhịp tim nhanh, mạch yếu giảm thể tích tuần hoàn.
Lưu ý: Dấu hiệu nghiêm trọng cần đi khám ngay.
  • Phân có máu hoặc mủ nhầy.
  • Sốt cao liên tục trên 39*C.
  • Mất nước nặng (khát nước nhiều, tiểu ít hoặc vô tiểu).
  • Người lờ đờ, mất ý thức, co giật.
Đánh giá mức độ mất nước là việc làm quan trọng, nếu đánh giá sai, không cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Uống điện giải đôi khi là không đủ bù lượng đã mất.

2.2 Tiêu chảy mạn tính

  • Phân lỏng kéo dài, phân có thể có chất nhầy, máu hoặc mủ.
  • Số lần đi ngoài thường >3 lần/ngày.
  • Kèm theo các triệu chứng tiêu hóa như đầy bụng, đầy hơi, cảm giác mót rặn,...
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Mệt mỏi, suy nhược.
  • Triệu chứng kéo dài >4 tuần.

3. Dược sĩ nhà thuốc cần tư vấn gì cho bệnh nhân tiêu chảy

3.1 Đánh giá mức độ mất nước.

Đối với tiêu chảy cấp, đặc biệt quan trọng việc cần đánh giá được mức độ mất nước của bệnh nhân, vì nguy cơ mất nước - điện giải gây giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn điện giải nguy cơ trụy tim mạch, tử vong.

Phân loại mức độ mất nước

Độ 1: Mất nước nhẹ (5% trọng lượng cơ thể)

  • Số lần đi ngoài > 3 lần/ngày.
  • Quan sát tổng thể bệnh nhân không có dấu hiệu mất nước hoặc môi hơi khô.
  • Tiểu ít nhưng vẫn còn nước tiểu.

Độ 2: Mất nước vừa (5 - 10% trọng lượng cơ thể)

  • Số lần đi ngoài 7 - 10 lần/ngày.
  • Bệnh nhân cảm thấy khát nhiều, môi khô, mắt trũng sâu, da nhăn nheo mất độ đàn hồi (véo da lâu trở lại bình thường).
  • Nước tiểu ít, sẫm màu.
  • Đo mạch >100 lần/phút, huyết áp tối đa < 90mmHg.
  • Người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt.

Độ 3: Mất nước nặng (>10% trọng lượng cơ thể)

  • Số lần đi ngoài >10 lần/ngày.
  • Khát nước dữ dội hoặc không còn cảm giác khát, lờ đờ có thể lú lẫn.
  • Môi nứt nẻ, da khô, lạnh.
  • Mắt trũng sâu quầng thâm.
  • Bụng lõm lòng thuyền.
  • Nước tiểu rất ít hoặc không có nước tiểu.
  • Mạch nhanh >120 lần/phút. Huyết áp giảm sâu <60 mmHg hoặc không đo được.
  • Có thể co giật, hôn mê rồi tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Lưu ý: Với mất nước độ 1 có thể tự điều trị tại nhà, điều trị bằng cách bổ sung điện giải đường uống. Nhưng khi thấy có dấu hiệu ở mức độ 2 nên cần chuyển viện để theo dõi, phòng tiên lượng xấu có thể cấp cứu kịp thời.
Câu hỏi: Đối với tiêu chảy có phải việc bù nước qua đường uống với suy nghĩ uống càng nhiều càng tốt là đúng hay sai?
Trả lời: Sai. Khi bị tiêu chảy, bù nước - điện giải là yêu cầu bắt buộc (lưu ý: đường uống chỉ nên thực hiện ở mất nước độ 1, độ 2 xem xét nhập viện, độ 3 bắt buộc nhập viện). Tuy nhiên đây là bù, tức là bù lại lượng bị mất đi chứ không phải uống càng nhiều càng tốt.
  • Với trẻ em dưới 2 tuổi: 50ml - 100ml sau mỗi lần đi ngoài.
  • Người lớn: 100 - 200ml sau mỗi lần đi ngoài.

3.2 Lưu ý khi sử dụng oresol để bù nước điện giải.

  • Mỗi nhà sản xuất sẽ có yêu cầu cách pha khác nhau. Cần pha đúng tỷ lệ theo yêu cầu.
  • Oresol đã pha chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ.
  • Khi uống Oresol nên uống thành từng ngụm nhỏ, tránh uống quá nhanh có thể gây buồn nôn.
Câu hỏi: Oresol có số 245 nghĩa là gì?
Trả lời: 245 là số đại diện cho tổng áp suất thẩm thấu của dung dịch được WHO khuyến cáo, khác với trước đây là 311, đơn vị là mmol/l có nghĩa là tổng số hạt hòa tan (Na, K, Cl, Glucose…) trong 1 lít dung dịch. Công thức mới giúp giảm nguy cơ tăng Natri máu, giảm nguy cơ tiêu chảy thẩm thấu, hấp thu tốt hơn.
Câu hỏi: Trên thị trường có các sản phẩm oresol pha sẵn. So với oresol 245 có ưu - nhược điểm gì?
Trả lời: Oresol 245 số đăng ký là thuốc sẽ có vị khó uống, đây là một nhược điểm khiến người bệnh từ chối uống. Ngược lại oresol dạng pha sẵn có mùi vị dễ uống hơn, ngon hơn. Tuy nhiên oresol dạng pha sẵn không tạo ra được áp suất thẩm thấu 245 mmol/l nên nếu là tiêu chảy hãy lựa chọn oresol 245.

3.3 Điều trị cho bệnh nhân tiêu chảy cấp

Đầu tiên cần xác định nguyên nhân có phải là do nhiễm khuẩn tieu hóa không thông qua tính chất của phân và biểu hiện của bệnh nhân. (Tham khảo bài "Nhiễm khuẩn tiêu hóa"). Nếu thấy khó xác định nên khuyên bệnh nhân đi khám.

Bù nước, điện giải là yêu cầu bắt buộc để chống suy kiệt, sốc do mất nước. Cần đánh giá nếu như đường uống không đáp ứng được (như cứ uống vào là nôn hết ra) thì nên chuyển bệnh nhân vào viện để truyền nước.

Pha Oresol theo đúng nguyên tắc ở trên.

Đánh giá mức độ mất nước để bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.

Lưu ý: Men vi sinh không tham gia vào điều trị tiêu chảy, không cầm đi ngoài nhưng có tác dụng rút ngắn thời gian điều trị và sớm hồi phục hệ tiêu hóa cho bệnh nhân. Nên sử dụng sớm.
Câu hỏi: Có nên sử dụng thuốc cầm đi ngoài hay không?
Trả lời: Loperamid là thuốc cầm đi ngoài rất nhanh, nhưng khuyến cáo không nên sử dụng với nguyên nhân nhiễm khuẩn có sinh độc tố, bởi vì thông qua việc đi ngoài đang đào thải bớt vi khuẩn gây bệnh và chất độc ra ngoài.

Đối với tiêu chảy do nhiễm độc, nên dụng than hoạt tính để hấp phụ chất độc trước khi nó hấp thu vào máu, giảm bớt mức độ nhiễm độc.

Mở rộng: Berberin là một Alkaloid (kháng sinh từ nhiên) có thể điều trị tiêu chảy do mọi nguyên nhân. Nên là thuốc đầu tay khi không xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy.

Có thể tự điều trị tại nhà trong ngày đầu tiên bị tiêu chảy, đảm bảo bệnh nhân không bị suy kiệt do mất nước. Không sử dụng kháng sinh nếu tính chất của phân hướng đến chẩn đoán là nhiễm virus, rối loạn tiêu hóa thông thường...Và đặc biệt lưu ý vè chế độ ăn uống trong những ngày này.

Vậy người bị tiêu chảy cấp thì nên ăn gì?

  • Bệnh nhân tiêu chảy thường sẽ kèm theo chán ăn, đặc biệt là dễ buồn nôn hơn khi ăn ngay cả khi đã dứt cơn nôn rồi.
  • Tốt nhất là nên ăn những đồ dễ tiêu và không có mùi khó chịu.
  • Các thực phẩm nên được chế biến kỹ, nhuyễn để dễ hấp thu hơn.
Mục Lục