Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Loãng Xương

Loãng xương cũng là một bệnh lý có liên quan đến vấn đề tuổi tác và phụ nữ xuất hiện sớm hơn nam giới. Bệnh cũng không có biểu hiện rõ ràng, khi phát hiện ra thường là khi có biến chứng như gãy các xương dài. Trước khi học bài này hãy ôn tập lại bài giải phẫu hệ xương để dễ hiểu hơn.

1. Tổng quan về bệnh loãng xương

Loãng xương là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương được đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương, gây tổn hại đến vi cấu trúc của tổ chức xương làm giảm độ chắc của xương, gây nguy cơ gãy xương.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh loãng xương là dựa trên chỉ số T-score  đo tại cột sống và cổ xương đùi.

  • Bình thường: T-score > -1,0.
  • Giảm mật độ xương: -2,5 < T-score ≤ -1.
  • Loãng xương: T-score ≤  -2,5.
Lưu ý: Khi chẩn đoán loãng xương không dựa hoàn toàn vào mật độ xương mà cần kết hợp với đánh giá nguy cơ loãng xương. Ví dụ nếu T-score < -2,5 nhưng không có yếu tố nguy cơ thì ta không chẩn đoán đó là loãng xương mà chẩn đoán là giảm mật độ xương.
Câu hỏi: Chỉ số T-score nghĩa là gì?
Trả lời: T-score là chỉ số để đánh giá mật độ xương. Dùng để so sánh mật độ xương của người đo với người trưởng thành trẻ, khỏe mạnh cùng giới. Đây là chỉ số chính thức của WHO để chẩn đoán loãng xương. Ngoài T-score còn có Z-score dùng để so sánh mật độ xương của người đo với người cùng độ tuổi và giới tính. Chỉ số Z-score không dùng để chẩn đoán loãng xương nhưng giúp tìm nguyên nhân và hữu ích để tiến hành đo trên người trẻ (<50 tuổi), trẻ em hoặc nam giới.

2. Yếu tố có thể gây nguy cơ loãng xương

2.1 Tuổi, giới, chủng tộc, di truyền, tiền sử gia đình

  • Từ 50 tuổi: Cứ 3 nữ thì có 1 người bị loãng xương và cứ 5 nam thì có 1 người bị loãng xương. Tuổi càng cao, hoạt động của tạo cốt bào giảm trong khi đó hoạt động của hủy cốt bào lại tăng, bên cạnh đó có sự suy giảm chức năng của các hệ cơ quan khác như: tiêu hóa giảm hấp thu Calci, ống thận giảm tái hấp thu Calci.
  • Chủng tộc: Người da trắng và châu Á có nguy cơ loãng xương cao hơn người da đen.
  • Di truyền: Có một số gen liên quan đến làm giảm mật độ xương và loãng xương.
  • Tiền sử gia đình: Người có mẹ và chị gái bị loãng xương thì có nguy cơ cao bị loãng xương.

2.2 Thể chất

Thấp bé nhẹ cân (BMI < 19), gầy sút nhanh.

BMI là viết tắt của Body Mass Index có nghĩa là chỉ số khối cơ thể, dùng để đánh giá người đó là gầy - bình thường - thừa cân dựa trên chiều cao và cân nặng.

Câu hỏi: Tại sao BMI thấp lại có nguy cơ loãng xương?
Trả lời: Bỏ qua yếu tố gián tiếp như BMI thấp chứng tỏ ăn uống, dinh dưỡng kém nên thiếu các vi chất cho xương. Chúng ta sẽ đề cập đến những yếu tố trực tiếp hơn:
  • BMI thấp thì sẽ ít áp lực lên xương: Xương phát triển và duy trì chắc khỏe nhờ chịu lực từ trọng lượng cơ thể và vận động. Người quá gầy dẫn đến xương ít bị kích thích cơ học hệ quả là giảm mật độ xương theo thời gian.
  • Thiếu mỡ dẫn đến thiếu hormon bảo vệ xương: Mô mỡ giúp sản sinh ra estrogen - hormone rất quan trọng trong việc giữ xương chắc khỏe, đặc biệt là nữ giới. Khi BMI quá thấp → mô mỡ ít → estrogen giảm → xương mất dần Calci → loãng xương.

Vì vậy, đối với phụ nữ trẻ hoặc người lớn tuổi ở châu Á, giữ mức BMI trong khoảng 18.5 - 22.9 là lý tưởng cho cả vóc dáng và sức khỏe xương khớp.

2.3 Lối sống

Lối sống tĩnh lại, hút thuốc lá nhiều, uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ loãng xương.

2.4 Dinh dưỡng

Chế độ không cung cấp đủ Calci, vitamin D

2.5 Bệnh lý

  • Các tình trạng gây giảm hormon sinh dục: Mãn kinh, cắt buồng trứng, mất kinh kéo dài, không sinh đẻ…
  • Cường cận giáp, cường tuyến giáp, đái tháo đường phụ thuộc Insulin.
  • Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, biến dạng cột sống.
  • Hội chứng cushing, đa u tủy xương.
  • Bệnh dạ dày ruột gây rối loạn hấp thu, chán ăn, bệnh lý gan mật, suy thận, tăng Calci máu, suy tủy, sau ghép phủ tạng, bất động kéo dài, ung thư, thiếu máu tan huyết, bệnh hemoglobin…

2.6 Sử dụng một số thuốc

Các thuốc Corticoid, heparin, Phenytoin, điều trị thyroid quá liều, thuốc hóa trị, tia xạ trị, thuốc chống động kinh, Tetracyclin, Cyclosporin, Rifampicin…

3. Phân loại loãng xương

3.1 Loãng xương nguyên phát

Loãng xương sau mãn kinh (tuyp I)

  • Gặp ở phụ nữ sau mãn kinh (50-65 tuổi).
  • Do giảm estrogen → tăng hủy xương.
  • Hay gây gãy xương cột sống, xương quay.

Loãng xương tuổi già (tuyp II)

  • Gặp ở người cao tuổi cả nam và nữ (> 70 tuổi).
  • Do giảm tạo xương theo tuổi tác và giảm hấp thu Calci.
  • Gây gãy xương hông, xương dài.

3.2 Loãng xương thứ phát

  • Nội tiết: Cường giáp, cường cortisol (hội chứng cushing), tiểu đường…
  • Thuốc: Corticoid, thuốc chống động kinh, thuốc ức chế miễn dịch…
  • Bệnh lý viêm mạn tính: Viêm khớp dạng thấp, suy thận mạn, xơ gan…
  • Lối sống: Hút thuốc, nghiện rượu, ít vận động, chế độ ăn thiếu Calci và vitamin D.

3.3 Loãng xương bẩm sinh

Do thiếu gen tổng hợp vitamin D và các loại gen khác.

4. Chẩn đoán loãng xương

4.1 Triệu chứng của loãng xương

Bệnh có biểu hiện kín đáo, tiến triển thầm lặng không có triệu chứng sớm cho đến khi có biểu hiện gãy xương. Các triệu chứng cơ năng đầu tiên của loãng xương liên quan đến quá trình xẹp đốt sống, gãy xương đùi hoặc xương ngoại vi.

Một số triệu chứng cơ năng của loãng xương

Đau cột sống do xẹp các đốt sống:

  • Xuất hiện tự nhiên hoặc liên quan tới gắng sức hoặc chấn thương nhỏ. Thường biểu hiện đau cột sống cấp tính, khởi phát đột ngột, không lan, không có triệu chứng chèn ép thần kinh.
  • Đau có tính chất cơ học: Giảm rõ khi nằm, nghỉ ngơi rồi mất dần trong vài tuần. Đau xuất hiện trở lại khi có một đốt sống mới bị xẹp hoặc đốt sống bị xẹp ban đầu nặng hơn. Khoảng 60% trường hợp có xẹp đốt sống do loãng xương nhưng không có biểu hiện lâm sàng.
  • Đau cột sống mạn tính do rối loạn tư thế cột sống
  • Sau các đợt đau cột sống cấp tính tương tự, dần dần, các đợt đau mới này sẽ xuất hiện trên nền đau cột sống mạn tính, do các rối loạn tư thế cột sống gây nên. Bệnh nhân dần xuất hiện sự giảm chiều cao, gù đoạn lưng, có thể tới mức các xương sườn cuối cùng cọ sát vào cánh chậu. Các biến dạng này làm cho bệnh nhân đau cột sống và đau do cọ sát sườn chậu.

Gãy xương

Các vị trí thường gặp là đầu trên xương đùi, xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay.

Triệu chứng khác

Có thể bị khó thở do hội chứng dạ dày - ruột (lý do là các xương sườn bị yếu, không đảm bảo chức năng làm điểm bám cho các cơ liên sườn và cơ bụng.

Câu hỏi: Tại sao bệnh loãng xương rất khó để phát hiện?
Trả lời: Nhớ lại kiến thức phần giải phẫu, chúng ta biết rằng nồng độ Calci trong máu luôn giữ ở mức hằng định. Khi thấp thì tăng huy động Calci từ xương ra, khi cao thì lại chuyển Calci về xương. Do vậy, nhiều người không biết điều đó khi thấy kết quả xét nghiệm Calci máu bình thường thì cho rằng mình không có dấu hiệu của loãng xương. Không kịp thời bổ sung thêm Calci từ các chế phẩm bên ngoài. Ngoài ra, khi có dấu hiệu đau nhức xương khớp, đa phần mọi người sẽ chủ quan chỉ đến nhà thuốc mua các thuốc giảm đau để uống chứ không đến bệnh viện để làm các kiểm tra chuyên sâu về xương.

5. Điều trị và phòng ngừa loãng xương

5.1 Mục tiêu 

  • Tăng khối lượng xương.
  • Cải thiện cấu trúc và độ chắc của xương.
  • Giảm nguy cơ gãy xương.

5.2 Thuốc điều trị loãng xương

Các nhóm thuốc điều trị loãng xương không quá nhiều nếu xét về cấu trúc các bài học thì nên để tại học phần dược lý, nhưng ở đây có một số điểm cần hết sức lưu ý nên cần phải nhắc lại

Nhóm thuốc Bisphosphonate

Ức chế hoạt động hủy xương thông qua: Ái lực hóa học mạnh cho các tinh thể Calci và liên kết ngẫu nhiên trên bề mặt của xương. Làm gián đoạn các hoạt động của các tế bào hủy xương thông qua một số chất trung gian, ngoài ra còn kích thích hoạt động của tạo cốt bào và đại thực bào.

Lưu ý: Điểm lưu ý lớn nhất của nhóm thuốc này là về cách dùng vì tác dụng phụ nguy hiểm là thủng thực quản. Cần uống thuốc vào buổi sáng, khi bụng rỗng trước ăn 30 phút, uống với ít nhất 200ml nước và không được nằm sau khi uống thuốc ít nhất 30 phút.

Calcitonin

Không ít người nhầm lẫn rằng Calcitonin và Calcitriol là một dạng thuốc bổ sung Calci vì đều có chữ bắt đầu là Calci

Tuy nhiên: 
  • Calcitonin là một hormon do tế bào nang tuyến giáp sản xuất. Có cơ chế tác dụng là ức chế hoạt động của hủy cốt bào, kích thích hoạt động của tạo cốt bào, ngoài ra còn có tác dụng giảm đau do giảm tổng hợp chất trung gian gây đau như Prostaglandin, tăng nồng độ Beta endorphin gấp 15 - 30 lần; tác động trực tiếp lên trung tâm đau của hệ thần kinh trung ương; tác động lên chất dẫn truyền thần kinh của hệ thần kinh trung ương như catecholamine, serotonin.
  • Calciferol là một tên gọi khác của vitamin D.
Mở rộng: Trong suốt cả bài, chúng ta đề cập đến rất nhiều về việc khi phụ nữ mãn kinh, thiếu hormon sinh dục estrogen sẽ làm tăng nguy cơ gây loãng xương. Vậy thì bổ sung Calci đường uống như thế nào cho đối tượng này. Có thể tư vấn bệnh nhân nữ mãn kinh khi bổ sung Calci, nên bổ sung thêm các sản phẩm hỗ trợ về nội tiết và giải thích cho bệnh nhân. Như vậy sẽ giúp hiệu quả hơn.
Câu hỏi: Các bạn dược sĩ có để ý thấy rằng Calci dạng thuốc để điều trị loãng xương thường ở dạng vô cơ. Trong khi dạng hữu cơ sẽ cho khả năng hấp thu tốt hơn và cũng có dạng đăng ký là thuốc. Lý do tại sao?
Trả lời: Để điều trị loãng xương, cần có hàm lượng Calci cao, so sánh giữa vô cơ và hữu cơ ta thấy rằng % Calci nguyên tố trong muối vô cơ (CaCO3) đạt 40% trong khi của hữu cơ thì thấp hơn: trong calci citrat (21%), calci lactate (13%), calci gluconate (9%)...nhìn chung là tương đối thấp. Do vậy, để đạt được hàm lượng Calci nguyên tố đủ để đáp ứng điều trị thì phải làm dạng viên rất lớn nếu chọn viên nang/viên nén hoặc nếu dạng dung dịch hay bột pha thì lượng cần uống cũng tương đối nhiều thì mới đáp ứng đủ Calci nguyên tố. Và như vậy cũng sẽ tăng thêm gánh nặng về chi phí.
Ngoài ra, việc Calci vô cơ ít hấp thu hơn so với Calci hữu cơ là hoàn toàn chính xác, nhưng sự chênh lệch đó sẽ được cải thiện nếu như uống Calci cùng với bữa ăn.
Chính vì những yếu tố đó mà chúng ta thường thấy Calci dạng thuốc để điều trị thì thường là Calci vô cơ còn Calci thực phẩm bổ sung thì có dạng hữu cơ.
Có thể bạn chưa biết: Hiện nay có một dạng Calci rất được ưa chuộng đó là Lithothamnium Calcareum - đây là một dạng Calci hữu cơ mà có hàm lượng Calci 30-35%. Do một loại tảo biển đỏ hóa thạch. Loại tảo này tự hấp thụ Calci, magie và khoáng chất từ nước biển, khi hóa thạch, tạo cấu trúc giống san hô, rất giàu Calci tự nhiên. Loại Calci này mang đầy đủ các ưu điểm của Calci hữu cơ như hấp thu tốt, không táo bón và đặc biệt có % hàm lượng Calci nguyên tố cao hơn nhiều so với các loại Calci hữu cơ khác.
Mục Lục