Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Suy Tim

Suy tim là hội chứng bệnh lý và là diễn biến cuối cùng của các bệnh lý thuộc nhóm tim mạch như bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh tim bẩm sinh. Và các bạn dược sĩ có biết tại sao hầu như cơ quan nào cũng có ung thư nhưng ung thư tim thì chưa nghe bao giờ không?

1. Tổng quan về bệnh suy tim

Đầu tiên cần xác định rõ suy tim khác với suy tuần hoàn. Suy tim là tình trạng tim không có khả năng bơm để cung cấp một khối lượng máu đủ cho các nhu cầu sinh lý của cơ thể. Trong khi đó, suy tuần hoàn là tình trạng hệ tuần hoàn không có khả năng cung cấp đủ máu và oxy cho các mô cơ thể và lấy đi những sản phẩm thải trừ từ mô này, nó có thể bị gây ra bởi  tim hoặc không phải tim.

Cung lượng tim = Thể tích nhát bóp x Tần số tim

Như vậy cung lượng tim có thể thay đổi tùy theo tần số tim và/hoặc thể tích nhát bóp.

Tần số tim

  • Khi nghỉ ngơi và ở người khỏe mạnh thì tần số tim ít ảnh hưởng đến cung lượng tim. Nhưng khi gắng sức, cung lượng tim đòi hỏi phải tăng và khi đó tăng nhịp tim là cơ chế thích nghi quan trọng nhất.
  • Trong suy tim, lúc đầu nhịp tim cũng tăng lên để duy trì cung lượng tim, nhưng lâu dài nếu nhịp tim tăng quá nhiều sẽ làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim, tăng công của cơ tim và làm tim càng suy yếu đi một cách nhanh chóng.

Thể tích nhát bóp

  • Là thể tích máu được đẩy khỏi tim trong một tâm thu (một nhát bóp).
  • Trong phạm vi sinh lý, thể tích nhát bóp phụ thuộc vào lượng máu về tim bao nhiêu thì tim bơm đi bấy nhiêu.

Ngoài 2 yếu tố thể tích nhát bóp và tần số tim thì cung lượng tim còn phụ thuộc vào tiền gánh và hậu gánh.

  • Tiền gánh là thể tích máu trong thất cuối thì tâm trương.
  • Hậu gánh là sức cản của các động mạch.

Khi đó sự thay đổi của bất kỳ yếu tố nào cũng sẽ ảnh hưởng đến cung lượng tim. Trong khi tim ở người bình thường có thể chịu đựng được sự thay đổi rất rộng về tiền gánh, hậu gánh và tần số tim thì trong những trường hợp bệnh lý của tim, tim có thể tích ứng với một mức độ nhất định.

2. Phân loại suy tim

Có nhiều tiêu chí để phân loại suy tim và theo nhiều nguồn khác nhau

2.1 Theo mức độ khó thở: Phân loại theo cơ năng của NYHA

  • Độ I: Bệnh nhân có bệnh tim nhưng không có triệu chứng cơ năng nào, vẫn sinh hoạt và hoạt động thể lực gần như bình thường.
  • Độ II: Các triệu chứng cơ năng chỉ xuất hiện khi gắng sức nhiều. Bệnh nhân bị giảm nhẹ các hoạt động về thể lực.
  • Độ III: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện kể cả khi gắng sức rất ít, làm hạn chế nhiều các hoạt động thể lực.
  • Độ IV: Các triệu chứng cơ năng tồn tại một cách thường xuyên, kể cả lúc bệnh nhân nghỉ ngơi không làm gì cả.

2.2  Theo ACC/AHA.

  • Giai đoạn A: Bệnh nhân có nguy cơ cao bị suy tim trong thời gian tới, nhưng chưa có rối loạn cơ năng hoặc thử tổn của tim.
  • Giai đoạn B: Có thực tổn ở tim, nhưng chưa có biểu hiện cơ năng của suy tim.
  • Giai đoạn C: Có thử tổn ở tim và trong tiền sử hoặc hiện tại có triệu chứng cơ năng của suy tim, và điều trị nội khoa có kết quả tốt.
  • Giai đoạn D: Bệnh tim tiến triển đã nặng, đòi hỏi phải điều trị tại bệnh viện hoặc nội khoa tích cực hoặc thay tim.

2.3 Phân loại suy tim theo vị trí

2.3.1 Suy tim trái

  • Tăng hậu gánh, do có ứ trệ tuần hoàn phổi, suy tim có thể là suy nhĩ trái, suy thất trái hoặc suy cả nhĩ trái và thất trái. Nếu tim trái suy và thất bóp máu kém, lượng máu giảm sút bệnh nhân có thể chóng mặt, lú lẫn, lạnh các đầu chi khi nghỉ ngơi.
  • Triệu chứng phổi nổi bật: Khó thở khi gắng sức, nặng hơn nữa là khi nghỉ ngơi, khi nằm đầu thấp, phải ngồi để thở, cơn khó thở có thể xảy ra đột ngột về đêm, và người bệnh hay kêu mệt, đôi khi có cơn khó thở kiểu hen, tiếng thở rít.
  • Khám thực thể: Thường thấy thở nhanh, gắng sức để thở (co kéo các cơ hô hấp). Nghe phổi thấy ran phổi (ran ẩm). Trong phù phổi cấp, ran phổi nghe thấy đầu tiên ở đáy phổi, sau đó lan lên cao, rồi toàn bộ phổi.

2.3.2 Suy tim phải

  • Tăng hậu gánh của tim phải làm ứ trệ các mao quản hệ đại tuần hoàn, nguyên nhân của phù ứ nước toàn thân, đặc biệt những nơi thấp (bàn chân), các khoang tự nhiên (ổ bụng, ổ màng phổi). Gan to, tĩnh mạch cửa nổi là những triệu chứng thường gặp. Khi ứ trệ tuần hoàn lâu, gan có thể suy, xuất hiện vàng da rối loạn đông máu.
  • Bệnh phổi mạn tính có thể gây suy tim phải, hẹp van hai lá gây ứ trệ mao quản phổi cũng là một nguyên nhân của suy tim phải.
Mở rộng: Ho là một biểu hiện bệnh rất phổ biến tại nhà thuốc. Thông thường chỉ chia ra ho có đờm và ho khan. Tuy nhiên nếu ho có kèm theo khó thở thì cần phải chú ý và nghĩ đến những bệnh nguy hiểm như bệnh tại phổi (tràn khí, tràn dịch màng phổi), bệnh tại tim (suy tim). Cần khai thác thêm là khó thở khi nào và khó thở tăng lên hay giảm đi trong tư thế nào. Để nhờ đó đưa ra được tư vấn phù hợp cho bệnh nhân.

2.3.3 Suy tim toàn bộ

Bệnh van tim (hẹp hở hai lá, hẹp hở chủ), tăng huyết áp gây suy tim trái trước rồi suy tim toàn bộ sau, bệnh cơ tim có tổn thương ở cả hai tâm thất cũng là một nguyên nhân.

2.4 Phân loại theo thì của tim

2.4.1 Suy tim tâm thu

  • Giảm phân số tống máu È < 45% do tổn thương cơ tim không/có hồi phục, tùy mức độ và thời gian tổn thương đã xảy ra, mà hậu quả là giảm sức co cơ thất, giảm cung lượng tim.
  • Thể tích và áp lực trong các buồng tim, thất và nhĩ đều tăng, vì máu tống đi không hết.
  • Đối với tim trái: thất trái và nhĩ trái giãn to, động mạch phổi và phổi ứ huyết, có thể phù nề, có thoát dịch vào nhu mô phổi.
  • Đối với tim phải: Thất và nhĩ phải giãn to, ứ huyết ở các mao quản, hệ thống tĩnh mạch đại tuần hoàn, có thoát dịch vào các mô, có gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phù rõ ở chi dưới khi bệnh nhân đi lại hoặc đứng lâu.

2.4.2 Suy tim tâm trương

Tâm thất trái/phải không giãn ra đủ, vách thất cứng hơn bình thường cản trở việc đổ đầy thất và làm giảm cung lượng tim. Do thất không dãn đủ nên áp lực cuối tâm trương và ảnh hưởng tới phổi cũng là ứ trệ tuần hoàn phổi gây phù phổi nếu là suy tâm trương thất trái, phù ngoại biên  nếu là suy tâm trương thất phải.

2.5 Theo tính chất khởi phát

Suy tim mạn tính.

Suy tim cấp tính: Có thể do nguyên nhân gây bệnh xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh và có thể do một bệnh đi kèm hoặc do ăn mặn, gắng sức, dùng thuốc giữ nước trên cơ sở có bệnh suy mạn tính.

Nhìn chung thì bệnh suy tim nói riêng hay các bệnh khác về tim mạch nói chung vẫn là nhóm bệnh không có tính thực hành tại nhà thuốc. Bệnh cần phải hội chẩn chuyên khoa. Vậy thì đối với dược sĩ nhà thuốc thì trong số các cách phân loại trên thì cách số 3 (phân loại theo vị trí) là có tính ứng dụng nhất. Nên từ đây về sau sẽ dựa trên cách phân loại này để nói về nguyên nhân, triệu chứng bệnh.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim

3.1 Suy tim trái

3.1.1 Triệu chứng cơ năng

  • Khó thở: Là triệu chứng hay gặp nhất. Lúc đầu chỉ khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xảy ra thường xuyên, bệnh nhân nằm cũng khó thở nên thường phải ngồi dậy để thở. Diễn biến và mức độ khó thở cũng rất khác nhau: Có khi khó thở một cách dần dần, nhưng nhiều khi đến đột ngột, dữ dội như trong cơn hen tim hay phù phổi cấp.
  • Ho: Hay xảy ra vào ban đêm hoặc khi bệnh nhân gắng sức. Thường là ho khan nhưng cũng có khi ho ra đờm lẫn ít máu.
Câu hỏi: Ho có máu xuất hiện ở cả bệnh xuất huyết tiêu hóa. Vậy làm sao để có thể phân biệt?
Trả lời: Ho ra máu trong bệnh suy tim thì máu sẽ là máu tươi, đỏ hồng và có thể lần nhiều bọt (do có không khí). Còn trong xuất huyết tiêu hóa thì máu có màu sẫm đen hoặc nâu đỏ và kèm theo dịch tiêu hóa mùi chua. Kèm theo một số triệu chứng đi kèm như khó thở, tức ngực (suy tim). Đau vùng thượng vị, sau xương ức và đi ngoài phân đen (xuất huyết tiêu hóa).

3.1.2 Triệu chứng thực thể

*Khám tim

  • Nhìn, sờ thấy mỏm tim đập hơi lệch sang trái. Nghe tim: ngoài các triệu chứng có thể gặp của một vài bệnh van tim đã gây nên suy thất trái, ta thường thấy có ba dấu hiệu:
  • Nhịp tim nhanh.
  • Có thể nghe thấy tiếng ngựa phi.
  • Cũng thường nghe thấy một tiếng thổi tâm thu nhẹ ở mỏm, dấu hiệu của hở van hai lá cơ năng vì buồng thất trái giãn to.

* Khám phổi

  • Thường thấy ran ẩm rải rác hai bên đáy phổi. Trong trường hợp can hen tim có thể nghe được ran rít và ran ẩm ở hai phổi, còn trong trường hợp phù phổi cấp sẽ nghe thấy rất nhiều ran ẩm to, nhỏ hạt dâng nhanh từ hai đáy phổi lên khắp hai phế trường như “thủy triều dâng”
  • Trong đa số các trường hợp, huyết áp động mạch tối đa thường giảm, huyết áp tối thiểu lại bình thường nên số huyết áp chênh lệch thường nhỏ đi.

3.2 Suy tim phải

3.2.1 Triệu chứng cơ năng

  • Khó thở: Ít hoặc nhiều, nhưng khó thở thường xuyên, ngày một nặng dần và không có các cơn kịch phát như trong suy tim trái.
  • Ngoài ra, bệnh nhân hay có cảm giác đau tức vùng hạ sườn phải (do gan to và đau)

3.2.2 Triệu chứng thực thể

Chủ yếu là những dấu hiệu ứ máu ngoại biên:

  • Gan to đều, mặt nhăn, bờ tù, đau một cách tự phát hoặc sờ vào gan thì đau. Lúc đầu gan nhỏ đi khi được điều trị và gan to lại sau đợt suy tim sau nên còn gọi là gan “đàn xếp”. Về sau, do ứ máu lâu ngày nên gan không thể nhỏ lại được nữ mà trở nên cứng.
  • Tĩnh mạch cổ nổi to và dấu hiệu phản hồi gan - tĩnh mạch cổ dương tính. Áp lực tĩnh mạch trung ương và áp lực tĩnh mạch ngoại biên cao.
  • Tím da và niêm mạc: Tím là do máu bị ứ trệ ở ngoại biên, nên lượng Hemoglobin khử tăng lên trong máu. Tùy mức độ suy tim mà tím nhiều hay ít. Nếu suy tim nhẹ thì chỉ thấy tím ở môi và đầu chi. Còn nếu suy tim nặng thì có thể thấy tím rõ ở toàn thân.
  • Phù: Phù mềm, lúc đầu chỉ khu trú ở hai chi dưới, về sau nếu suy tim nặng thì có thể thấy phù toàn thân, thậm chí có thể có thêm tràn dịch các màng (tràn dịch màng phổi, cổ trướng.

3.3 Suy tim toàn bộ

Thường là bệnh cảnh của suy tim phải ở mức độ nặng:

  • Bệnh nhân khó thở và thường xuyên, phù toàn thân.
  • Tĩnh mạch cổ nổi to, áp lực tĩnh mạch tăng cao.
  • Gan to nhiều.
  • Thường có thêm tràn dịch màng phổi, màng tim hay cổ trướng.
  • Huyết áp tối đa hạ, huyết áp tối thiểu thì tăng, làm cho huyết áp trở nên kẹt.
Mở rộng: Phù là một dấu hiệu thường thấy ở trong suy tim, bên cạnh đó suy thận cũng sẽ xuất hiện phù. Điểm khác nhau dễ nhận biết nhất của 2 nguyên nhân phù này là phù trong suy tim thường là phù chi dưới và buổi chiều nặng hơn sáng. Còn phù trong suy thận thì phù mặt (đặc biệt mí mắt), sáng nặng hơn chiều.

4. Nguyên nhân gây suy tim

4.1 Suy tim trái

  • Tăng huyết áp động mạch là nguyên nhân thường gặp nhất.
  • Bệnh van tim: Hở van 2 lá, hở hoặc hẹp van động mạch chủ đơn thuần hoặc phối hợp.
  • Tổn thương cơ tim: Nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim (do thấp tim, nhiễm độc, nhiễm khuẩn), bệnh cơ tim.
  • Rối loạn nhịp tim: Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (rung nhĩ hoặc cuồng động nhĩ), cơn nhịp nhanh thất,, block nhĩ thất hoàn toàn.
  • Bệnh tim bẩm sinh: Hẹp eo động mạch chủ, còn ống động mạch…

4.2 Suy tim phải

  • Bệnh phổi mạn tính (Hen phế quản, viêm phế quản mạn, giãn phế nang, giãn phế quản, xơ phổi), nhồi máu phổi, tăng áp lực động mạch phổi tiên phát.
  • Gù vẹo cột sống và dị dạng lồng ngực.
  • Hẹp van 2 lá là van động mạch phổi.
  • Bệnh tim bẩm sinh: Hẹp động mạch phổi, thông liên nhĩ, thông liên thất.

4.3 Suy tim toàn bộ

  • Suy tim trái tiến triển thành suy tim toàn bộ là thường gặp nhất.
  • Viêm tim toàn bộ (do thấp tim, viêm cơ tim).
  • Bệnh cơ tim giãn.
  • Nguyên nhân khác: Cường giáp trạng, thiếu vitamin B1, thiếu máu nặng, dò động - tĩnh mạch.

5. Điều trị suy tim

Đối với điều trị bằng thuốc, sẽ được chia ra làm các nhóm thuốc chính như sau

  • Thuốc tăng sức co bóp cơ tim.
  • Thuốc tăng đào thải muối và nước: Thuốc lợi tiểu để giảm tiền gánh cho tim.
  • Thuốc giảm tiền gánh và hậu gánh: Thuốc giãn mạch.
  • Thuốc điều trị và dự phòng huyết khối: Thuốc chống đông máu và thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu.
  •  Thuốc giảm hoạt động của cơ tim: Thuốc chẹn beta giao cảm.

Ở đây chúng ta không học thuốc điều trị suy tim để tự kê cho bệnh nhân mà biết để giải thích cho bệnh nhân. Ví dụ như tại sao lại uống lợi tiểu.

Cũng giống như một số bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… Việc điều trị với thuốc hoàn toàn là tuân theo y lệnh của bác sĩ. Vai trò của dược sĩ nhà thuốc là biết được các tương tác thuốc có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả điều trị khi bệnh nhân muốn mua thuốc để điều trị một số bệnh lý thông thường.

Cách tốt nhất và nhanh nhất là tra cứu tương tác thuốc trên drugs.com.

Mở rộng: Trả lời cho câu hỏi ban đầu là tại sao gần như không hề nghe đến bệnh ung thư tim. Lý do bởi vì bản chất của ung thư là sự tăng sinh tế bào một cách bất thường. Nếu tế bào không phân chia thì ít nguy cơ đột biến nên khó phát triển thành khối u. Mà đặc điểm của tế bào cơ tim ở người trưởng thành là hầu như không phân chia, ngoài ra tim được tưới máu liên tục, áp lực cao, môi trường ít độc tố tích tụ nên khó để tế bào ung thư trú ngụ.Thêm một đặc điểm nữa là ở tim rất ít các loại tế bào khác nhau, chủ yếu gồm cơ tim, mô liên kết và mạch máu nên cũng phần nào đó giảm nguy cơ sự biến đổi ác tính.
Mục Lục