Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Nhiễm Khuẩn Tiêu Hóa

Bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa khác với rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn tiêu hóa là tình trạng hệ tiêu hóa bị vi khuẩn xâm nhập, còn rối loạn tiêu hóa có thể do sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột giữa lợi khuẩn và hại khuẩn. 2 bệnh này có thể sẽ có một số biểu hiện giống nhau như đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy…

1. Bệnh tả

Bệnh tả là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn tả, gây nôn và ỉa chảy dữ dội dẫn đến mất nước, điện giải nặng. Không điều trị đúng và kịp thời gây nguy hiểm.

1.1 Nguyên nhân gây bệnh

Vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) là tác nhân gây bệnh. Là trực khuẩn Gram (-), di chuyển nhanh nhờ một lông ở đầu tế bào không tạo bào tử nhưng có khả năng tồn tại trong nước, thức ăn khoảng 1 tuần, bị chết nhanh ở nhiệt độ cao và các chất sát khuẩn thông thường.

Con đường lây nhiễm có thể trực tiếp (từ người bệnh sang người lành) hoặc có thể gián tiếp (qua nước và thức ăn bị nhiễm vi khuẩn tả). Ruồi là vật trung gian truyền bệnh.

Lưu ý: Xử lý phân của bệnh nhân bị tả là khuyến cáo thực hiện nhằm tránh lây lan bệnh đến những người xung quanh.

Khi vi khuẩn tả xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống. Trong điều kiện bình thường nó sẽ bị tiêu diệt bởi acid dạ dày. Nhưng vì một lý do nào đó mà độ acid của dạ dày giảm hoặc do tính chất và thành phần của thức ăn, vi khuẩn có thể đến được ruột non và phát triển mạnh ở đó.

Vi khuẩn tả bám chặt vào thành ruột, tận đáy các nhung mao, nhưng không xâm nhập gây tổn thương lớp tế bào thượng bì niêm mạc ruột.

Câu hỏi: Kiến thức về vi vật gây bệnh có chia ra làm 2 loại là vi khuẩn gây độc tố hay vi khuẩn tiết ra độc tố. Vậy vi khuẩn tả thuộc nhóm nào?
Trả lời: Vi khuẩn tả thuộc nhóm vi khuẩn tiết ra độc tố, nó tiết ra protein độc tố tả gọi là Choleratoxin. Nội độc tố này gắn vào các receptor trên màng tế bào niêm mạc ruột, hoạt hóa men adenylcyclase làm tăng sinh AMP vòng. Sự tăng sinh AMP vòng trong bào tương các tế bào niêm mạc ruột làm đảo lộn quá trình vận chuyển nước và điện giải. Kết quả là niêm mạc ruột giảm hấp thu Na+, nước từ tế bào niêm mạc sẽ xuất tiết vào lòng ruột non gây ỉa chảy ồ ạt. Bệnh nhân bị mất nước đẳng trương, trụy tim mạch, suy thận và tử vong nhanh chóng.

1.2 Triệu chứng lâm sàng của bệnh tả

Triệu chứng lâm sàng của bệnh diễn ra theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn khởi phát

  • Bệnh nhân đột ngột đầy bụng, sôi ruột.
  • Tiêu chảy một vài lần, không có sốt. Điều này giống với các bệnh tiêu chảy thông thường nên không được chú ý.

Giai đoạn toàn phát

  • Tiêu chảy dữ dội: 25-30 lần/ngày.
  • Phân toàn nước, đục lờ lờ nước vo gạo hoặc toàn nước trong có lợn cợn các vẩy trắng (là các mảnh tế bào thượng bì niêm mạc ruột.
  • Phân không có máu mủ, mùi tanh nồng đặc biệt, không thối.
  • Nôn dữ dội: Lúc đầu nôn vọt thức ăn, sau đó nôn toàn nước.
  • Triệu chứng do mất nước và điện giải:
  • Vẻ mặt hốc hác, lờ đờ, mắt trũng sâu, da nhăn nheo, các hố trên xương đòn, xương ức… lõm vào, nói thều thào, tim đập yếu, mạch nhanh, thân nhiệt hạ.
  • Dấu hiệu của Shock hoặc tiền Shock: Đầu chi tím lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt thậm chí không bắt được mạch, huyết áp tụt dần. Thiểu niệu hoặc vô niệu.
  • Chuột rút: Các bắp cơ co rút, đau do giảm K+ máu và toan huyết.

Đây cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất, gây ra tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Giai đoạn hồi phục

  • Các biểu hiện bệnh giảm dần và hồi phục.
  • Các chỉ số cũng trở lại bình thường.
  • Bệnh nhân hồi phục thể trạng từ từ.

2. Lỵ trực trùng

Lỵ trực trùng gây bệnh nhiễm trùng cấp tính ở đường tiêu hóa, gây thành dịch. Biểu hiện có thể từ tiêu chảy nhẹ đến hội chứng lỵ nặng với đau quặn bụng, mệt sốt và các dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc.

2.1 Nguyên nhân gây bệnh

Shigella là trực khuẩn Gram (-) gây ra bệnh. Đặc điểm không di động, có khả năng sinh ra nội độc tố.

Trực khuẩn lỵ được chia ra làm 4 nhóm:

  • Nhóm A (Shigella dysenteriae): Ít gặp nhưng gây bệnh nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị dó chủng này sinh ngoại độc tố tác động lên hệ thần kinh.
  • Nhóm B (S.flexneri): Thường gặp ở Việt Nam.
  • Nhóm C (S.boydii).
  • Nhóm D (S.sonnei).

Bệnh thường xuất hiện ở những khu vực đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém và thường thấy trong các nhà trẻ, mẫu giáo. Bệnh lây truyền qua thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn. Ruồi nhặng là vật chủ trung gian để truyền bệnh. Người bệnh là nguồn lây quan trọng, họ thải vi khuẩn ra suốt thời gian bị bệnh và ngay cả khi đang hồi phục (6 tuần).

  • Sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa, vi khuẩn cư trú ở ruột già. Chúng sinh sản rất nhanh tại tế bào niêm mạc ruột và lớp màng nhầy. Khi bị chết chúng giải phóng ra nhiều nội độc tố.
  • Nội độc tố tác động tại chỗ gây ra các phản ứng viêm cấp tính. Lớp tế bào thượng bì chứa vi khuẩn sẽ bị hủy hoại, bong tróc ra tạo nên các ổ loét nông trên nền niêm mạc viêm lan tỏa.
  • Ruột bị viêm loét, hoại tử có thể dẫn đến xuất huyết làm cho bệnh nhân đi ngoài phân lẫn nhiều chất nhầy và máu. 
  • Nội độc tố còn tác động lên hệ thần kinh giao cảm ruột khiến cho nhu động ruột tăng → bệnh nhân có cảm giác mót rặn, đau quặn bụng từng cơn dọc theo khung đại tràng, đi ngoài nhiều lần. Tiêu chảy còn do rối loạn hấp thu nước, điện giải.

Các chủng vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây bệnh cảnh lâm sàng nghiêm trọng như viêm màng não, hôn mê do độc tố tác động vào hệ thần kinh trung ương.

2.2 Triệu chứng của bệnh lỵ

Thời kỳ khởi phát (1-3 ngày)

  • Hội chứng nhiễm trùng: Sốt cao 39-40*C, cảm thấy ớn lạnh, các cơ đau nhức, người mệt mỏi, buồn nôn.
  • Đau bụng quặn từng cơn dữ dội hoặc âm ỉ, đi ngoài phân lỏng màu vàng.

Thời kỳ toàn phát

  • Hội chứng nhiễm trùng: Sốt cao, ớn lạnh, rét run, mệt mỏi, chán ăn.
  • Hội chứng lỵ rõ: Đau quặn bụng từng cơn dọc theo khung đại tràng, mỗi lần đau lại kích thích đi ngoài, đi xong hết đâu. Mót rặn nhiều và ngày càng tăng, đau thắt vùng ruột già, ở những người già suy kiệt có thể sa trực tràng. Đi ngoài nhiều lần 20-40 lần/ngày. Phân có chất nhầy lẫn máu màu đỏ thẫm hay “lờ lờ máu cá”, lượng phân ngày càng ít đi.
  • Toàn trạng suy kiệt nhanh, mệt mỏi, lờ đờ, hốc hác, môi khô, lưỡi vàng.
  • Trẻ em thường có sốt cao co giật, biểu hiện thần kinh như li bì, lơ mơ, đau đầu, cứng gáy.

Thời kỳ hồi phục

Sau 8-10 ngày, các triệu chứng giảm dần, bệnh nhân hết sốt, phân đi bình thường.

3. Lỵ Amip

Lỵ amip là bệnh do amip Entamoeba histolytica gây ra, ít gây thành dịch, bệnh có thể là cấp hoặc mạn tính.

Ngoài gây bệnh tại ruột, amip còn gây bệnh tại gan, màng phổi, màng ngoài tim,... khiến cho bệnh trở nên nặng nề khó điều trị.

3.1 Nguyên nhân gây bệnh

Entamoeba histolytica có 2 thể: Thể bào nang và thể hoạt động ăn hồng cầu, gây bệnh.

Bệnh lây truyền qua con đường phân miệng, nhưng đôi khi cũng thấy lây truyền từ người sang người. Lỵ amip thường xuất hiện tản phát ở những địa phương có điều kiện sinh hoạt thấp, ăn uống thiếu vệ sinh, vệ sinh môi trường kém.

Bào nang xâm nhập vào cơ thể, dưới tác dụng của dịch tiêu hóa, bào nang thoát kén thành thể minuta. Thể này sống trên mặt niêm mạc ruột, ăn vi khuẩn, tạp chất thức ăn. Khi gặp điều kiện thuận lợi, thành ruột bị tổn thương nó sẽ chuyển sang thể hoạt động ăn hồng cầu gây bệnh E.histolytica xâm nhập vào tổ chức dưới niêm mạc, phá rộng ổ áp xe, gây thương tổn hình nấm tán ngược (đây là tổn thương điển hình của amip ruột).

Amip có thể ăn sâu tiếp tục làm thủng lớp cơ ruột, lan sang các cơ quan lân cận (âm đạo, bàng quang, phổi) hoặc ăn mòn một tĩnh mạch hoặc hạch bạch huyết để theo đường máu  sang các cơ quan phủ tạng khác như gan, não, phổi. Vết loét có thể lành sẹo và sẹo sẽ làm giảm nhu động ruột, làm tăng tiết nhầy. Thông thường do sức chống đỡ của cơ thể hoặc do điều trị chưa triệt để, một số amip thành ruột lại trở vào lòng ruột thành thể nhỏ hoặc bào nang, hoặc amip không qua được lớp hạ niêm, ổ áp xe sẽ bị bịt kín miệng hoặc thành sẹo làm cho bệnh trở thành mạn tính, đôi khi có cơn lỵ cấp.

3.2 Triệu chứng của bệnh amip

Thể cấp tính

Thời kỳ khởi phát

  • Có thể từ từ hoặc cấp tính.
  • Bệnh nhân đau bụng mơ hồ.
  • Cảm giác chán ăn, người mệt mỏi.

Thời kỳ toàn phát

  • Hội chứng lỵ (nhẹ): Đau bụng quặn vùng manh tràng, đại tràng sigma mức độ nhẹ hơn lỵ trực trùng. Mót rặn muốn đi ngoài mà không đi được “đi ngoài giả”. Đi ngoài nhiều lần 4-10 lần/ngày. Phân có nhầy trong như nhựa chuối lẫn máu, nhầy và máu thường riêng rẽ. Có thể có mủ do tổn thương ăn sâu qua lớp cơ niêm mạc gây ra một quá trình hóa mủ.
  • Bệnh nhân không sốt hoặc sốt nhẹ, tình trạng toàn thân tốt.
  • Khám có thể thấy dấu hiệu “thừng đại tràng”.

Thời kỳ hồi phục

Điều trị tốt bệnh có thể khỏi sau 7-10 ngày, bệnh nhân hết đau bụng, đi ngoài phân bình thường, nếu không bệnh chuyển sang thể mạn tính.

Thể mạn tính

Thành ruột bị xơ hóa, ảnh hưởng đến nhu động, kèm theo những kích thích thần kinh thực vật.

  • Bệnh nhân thường xuyên táo bón, ăn bất cứ vật gì lạ vào lại tiêu chảy. Táo bón, tiêu chảy xen kẽ.
  • Khám hố chậu trái, phải co cứng, dấu hiệu thừng đại tràng (+)
  • Thay đổi tính nết, khó chịu, cáu gắt.
Lưu ý: Tình trạng ăn đồ lạ vào là tiêu chảy, táo bón - tiêu chảy xen kẽ rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đại tràng.

3.3 Điều trị bệnh lỵ amip

4. Bệnh thương hàn

Thương hàn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hay gây thành dịch lớn.

4.1 Nguyên nhân gây bệnh

Salmonella typhi và Salmonella paratyphi A, B, C gây bệnh thương hàn cho người.

Salmonella không sản sinh ra ngoại độc tố nhưng lại có nhiều nội độc tố có bản chất là polysaccharide. Khi vi khuẩn bị tan vỡ, nội độc tố sẽ được giải phóng ra và gây các triệu chứng đặc trưng của bệnh thương hàn.

Người bệnh chính là nguồn lây bệnh. Gia súc bị bệnh, người hay động vật lành mang mầm bệnh. 

Người bị bệnh thương hàn đào thải vi khuẩn qua phân thường vào tuần thứ 3 của bệnh, ít nhưng cũng đào thải theo nước tiểu ra ngoài.

Vi khuẩn thường theo các nguồn thức ăn, nước uống để xâm nhập vào đường tiêu hóa. Khi đến ruột non, chúng xuyên qua lớp niêm mạc ruột để vào trong hệ thống mạch bạch huyết. Chúng sinh sản rất nhanh chóng trong các hạch màng ruột và qua hệ thống bạch huyết đổ vào ống ngực và vào máu. Trong giai đoạn nhiễm trùng huyết này các triệu chứng lâm sàng bắt đầu xuất hiện. Từ máu các vi khuẩn lan tràn đến các cơ quan phủ tạng như gan, lách.

Sau khi ở gan vi khuẩn được đào thải theo đường mật để trở lại đường ruột và theo phân ra ngoài.

Từ máu, vi khuẩn đến thận và được thải qua nước tiểu. Chúng cũng đến cơ quan bạch huyết ở ruột để sinh sản gây ra các biến chứng trầm trọng như chảy máu, hoại tử dẫn đến thủng ruột. Từ hệ thống bạch huyết các vi khuẩn lại có thể trở lại máu để đi đến các cơ quan phủ tạng. Trong máu và trong hệ thống bạch huyết, một số lớn vi khuẩn bị ly giải, giải phóng ra nội độc tố tác động lên hệ thần kinh làm cho bệnh nhân sốt cao li bì, nhịp tim giảm, huyết áp tụt.

4.2 Triệu chứng của bệnh thương hàn

Thời kỳ khởi phát (5-7 ngày)

  • Sốt kéo dài, thường về chiều, sốt từ từ tăng dần nhiệt độ đến 39-40*C trong vòng một tuần tạo nên hình ảnh sốt bậc thang.
  • Nhức đầu dai dẳng, đau mỏi cơ khớp, mệt mỏi, chán ăn.
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón thường gặp hơn là ỉa lỏng ở người lớn.

Thời kỳ toàn phát (7-10 ngày)

* Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc

  • Sốt tăng dần, đến 39-41*C liên tục từ tuần thứ 2 tạo nên hình ảnh sốt cao nguyên sốt thường kèm theo ớn lạnh, gai người.
  • Mạch, nhiệt độ phân ly.
  • Bệnh nhân suy nhược nhanh, mệt mỏi, hốc hác.
  • Rối loạn tri giác, nhức đầu dữ dội, li bì, vô cảm thờ ơ ngoại cảnh.

* Rối loạn tiêu hóa

  • Tiêu chảy 3-4 lần/ngày, phân vàng lỏng, nặng mùi, xen kẽ táo bón.
  • Bụng chướng, đau bụng âm ỉ lan tỏa, sờ thấy lạo xạo hố chậu phải, nghe có tiếng óc ách.
  • Gan, lách to thường gặp ở trẻ em.
  • Loét họng Duguet.

* Hồng ban

  • Xuất hiện ngày thứ 7-10 của bệnh, ở bụng, phần dưới ngực, hông.
  • Tự biến mất sau vài ngày.

Thời kỳ lui bệnh (tuần thứ 3-4)

Sốt hạ dần, các triệu chứng dần thuyên giảm, thời gian bình phục kéo dài…

4. Điều trị bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa

Nguyên tắc chung trong điều trị

  • Bù nước điện giải sớm và đầy đủ tùy theo mức độ mất nước. Nếu đường uống không đáp ứng được việc bù nước → nhập viện để truyền.
  • Dùng kháng sinh điều trị nguyên nhân gây bệnh. Dùng theo nguyên tắc sử dụng kháng sinh. Chọn đúng loại kháng sinh, dùng đủ liều và đủ thời gian điều trị.
  • Kết hợp điều trị triệu chứng và điều trị biến chứng, nâng cao thể trạng.
Câu hỏi: Với tình trạng tiêu chảy do vi khuẩn tả tại sao lại không tự ý dùng thuốc cầm đi ngoài như Loperamid, Racecadotril, Diosmectit.
Trả lời: Việc bệnh nhân đi ngoài sẽ kéo theo đào thải vi khuẩn tả theo đường phân, nhờ đó làm giảm số lượng vi khuẩn tả trong ruột, giảm mức độ độc tố mà tả gây ra. Việc sử dụng các thuốc cầm đi ngoài không phải là điều trị nguyên nhân gây bệnh nên có thể gọi là đang cố giữ và ủ bệnh trong người. Chỉ tiến hành bù lại lượng nước đã mất trong thời gian chờ thuốc kháng sinh phát huy tác dụng điều trị nguyên nhân.

 

Câu hỏi: Có nên cho bệnh nhân uống thuốc chống nôn không?
Trả lời: Để trả lời câu hỏi này thì cần hiểu tại sao bệnh nhân lại nôn khi bị tả. Do độc tố của vi khuẩn tiết ra gây kích thích dây thần kinh phế vị và trung tâm nôn ở hành não → gây buồn nôn và nôn. Nôn giúp đào thải nhanh các chất có hại ở phần trên của ống tiêu hóa. Tuy nhiên đối với tả thì việc nôn không giúp đào thải vi khuẩn tả. Nếu bệnh nhân chỉ còn nôn ra mỗi nước và dịch tiêu hóa, có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống nôn. Giúp mất nước và điện giải và bệnh nhân cũng đỡ mệt và khó chịu hơn.

Tất cả bệnh lý nhiễm khuẩn tiêu hóa kể trên đều là ở cấp độ không nên tự điều trị tại nhà thuốc. Nên đến bệnh viện để được khám, làm các xét nghiệm để tìm vi khuẩn gây bệnh. Điều trị sớm tránh biến chứng.

Nhà thuốc đa số vẫn là địa điểm đầu tiên của bệnh nhân, vậy nên dược sĩ cần nắm rõ về đặc điểm của phân khi đi ngoài, thể trạng của bệnh nhân để tư vấn nhận định bệnh cho chính xác.

Lưu ý: Xem lại bài tiêu chảy để nắm kỹ lại những lưu ý với oresol, tránh nguy cơ không những không bù được nước cho bệnh nhân mà còn làm tăng nguy cơ mất nước.



Mục Lục